Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu
ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong
sáng, nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi
lạc, một nhà văn hóa lớn.
Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động
của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và
thẩm mỹ. Phong cách Hồ Chí Minh gồm những điểm nổi bật sau đây:
a) Phong cách tư duy
- Phong cách tư duy khoa
học, cách mạng và hiện đại.
Đó là phong cách tư duy không tiếp thu một
cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài, mà đi sâu phân
tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những phán đoán, đi tới
những kết luận mới, đề ra những luận điểm mới, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng
tạo để tiếp tục vượt lên phía trước. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã bắt kịp nhịp sống
và sự phát triển của thời đại, để có thể lựa chọn đúng đường đi cho dân tộc và
dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.
- Phong cách tư duy độc
lập, tự chủ, sáng tạo.
Đó là phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên
xi của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ,
truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp
với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.
- Phong cách tư duy hài
hòa, uyển chuyển, có lý có tình.
Thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân
loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để
nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Người từng viết: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng
có một điều thì dân nào cũng giống nhau: Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét
sự dữ”[1].
Để đàm phán, thuyết phục đối phương đi tới đồng thuận, Người thường lập
luận trên cơ sở nguyên tắc về tính
đồng nhất của nguyên lý. Người viết: “Quyền độc lập, tự do ở nước nào
cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ, và đoàn kết của toàn quốc dân mà
xây dựng nên. Vậy nên, những người chân chính ham chuộng độc lập tự do của nước
mình thì phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”[2].
b) Phong cách làm việc
- Phong cách lãnh đạo.
Là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, phong cách làm việc Hồ Chí Minh được thể
hiện trước hết ở phong cách lãnh đạo với những đặc trưng nổi bật:
+ Phong cách dân chủ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân
chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phong
cách dân chủ Hồ Chí Minh được biểu hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Từ soạn
thảo “Tuyên ngôn độc lập” đến
viết một bài báo… Người đều tham khảo ý kiến của Bộ Chính trị, hay những người
xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề kinh
tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật… Người đều dựa vào đội
ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị
kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của
Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải
thay đổi, bổ sung.
Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là biết động viên, khuyến khích “khiến
cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề
ra ý kiến”, tức là
phải làm cho cấp dưới không sợ
nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách làm
việc thật sự dân chủ, tôn trọng tập thể, không phân biệt chức vụ cao thấp. Theo
Người, thực hành dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe
ý kiến mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy
tụ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải
quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ. Phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể
của Hồ Chí Minh hoàn toàn đối lập với phong cách làm việc theo kiểu áp đặt mệnh
lệnh hành chính, độc đoán chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, dân chủ hình thức
hoặc dân chủ cực đoan, tùy tiện, tự do vô chính phủ. Trong tư tưởng Hồ Chí
Minh, lối làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể phải đi liền với sự quyết đoán và
tinh thần dám chịu trách nhiệm cá nhân.
+ Tổ chức việc kiểm
tra, kiểm soát cụ thể, thường xuyên. Theo Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết
đã được ban hành, phải tổ chức tốt để nghị quyết đi vào cuộc sống; điều đó gắn
liền với công việc kiểm tra, kiểm soát. Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì
sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ,
tệ quan liêu còn “nồng”.
Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tác phong kiểm tra sâu
sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong vòng 10
năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công
việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công
trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội… từ miền núi đến hải đảo, để thăm
hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi
năm, có hơn 70 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp
gỡ quần chúng. Ngoài ra, hằng ngày Người đều đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi
lên, thấy có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết,
Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm,
yêu cầu nghiên cứu và giải quyết.
+ Phong cách quần chúng, luôn luôn
gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân. Trong cuộc
đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn gần gũi với nhân dân, qua đó thấu hiểu
tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tư trưởng trọng dân, tin dân nhất quán từ
trong suy nghĩ và hành động thường nhật hằng ngày của Hồ Chí Minh. Chính vì
trọng dân, tin dân và thương dân, nên Người lấy dân làm đối tượng phục vụ.
Theo Hồ Chí Minh, trong cách làm việc với quần chúng cần phải nắm vững tình
hình chất lượng quần chúng, phân loại các mức hạng khác nhau để có biện pháp
làm việc cho hiệu quả, mặt khác phải nắm rõ đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của
dân chúng là “họ hay so sánh” và họ so sánh đúng vì tai mắt họ nhiều, việc gì
họ cũng nghe, cũng thấy. Vì thế, người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của
dân chúng mà tự mình so sánh. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải phê phán và
đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh. Người yêu cầu các đồng
chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành và Trung ương phải thường xuyên đi kiểm tra
và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi
kiểm tra giúp đỡ ít.
Trong lãnh đạo, Người xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của
nhân dân, của tập thể lên trên, lên trước. Người luôn thực hiện “việc gì có lợi
cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[3].
+ Phong cách
nêu gương. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương
Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một
trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4]. Người đòi hỏi mỗi
cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc,
mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: Lấy gương
người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt
nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới,
cuộc sống mới.
- Phong cách làm việc khoa học và đổi
mới.
Trong tác phẩm “Sửa
đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh phê phán nặng lề lối làm
việc đủng đỉnh, chậm chạp, tự do, tùy tiện, đại khái, sự vụ, theo đường mòn,
lười suy nghĩ, ngại đổi mới, thích phô trương, hoành tráng về hình thức, nhưng
nghèo nàn, sơ sài về nội dung… Người nêu gương cho chúng ta về phong cách công
tác mới: lấy lợi ích và hiệu quả thiết thực làm chuẩn mực cao nhất để đánh giá
tác phong cán bộ và chất lượng công việc. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh thể
hiện:
+ Phong cách
làm việc khoa học, khách quan, trung thực. Hồ Chí Minh yêu cầu
làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm
chắc thực chất tình hình, “Đảng có hiểu rõ tình hình, thì đặt chính sách mới
đúng”. Phong cách làm việc khoa học, khách quan, trung thực của Hồ Chí Minh là
không hề né tránh những sự việc tiêu cực, thường được đội danh là “nhạy cảm”,
càng không cho phép lợi dụng hai chữ “nhạy cảm” để che chắn sai lầm, bưng bít
sự thật, bênh che cho nhau. Người coi đó là không trong sạch về đạo đức, không
minh bạch về chính trị và không trung thực về khoa học. Người viết: “… một Đảng
mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận
khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết
điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng
tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[5].
Người đã nêu cao tấm gương trung thực, thẳng thắn, thực sự cầu thị. Trong cải
cách ruộng đất, Người gạt nước mắt nhận lỗi trước nhân dân.
Hồ Chí Minh đòi hỏi làm việc gì cũng phải có chương trình, kế hoạch, từ lớn
đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào
việc nấy. Vì làm việc có kế hoạch, dù bận trăm công, nghìn việc của Đảng và Nhà
nước, Người lúc nào cũng ung dung, tự tại, vẫn có thời gian học tập, đọc sách,
xem văn nghệ, đi xuống địa phương, đi thăm danh lam, thắng cảnh… Từ thực tế và
kinh nghiệm của mình, Người dạy: trong việc đặt kế hoạch không nên tham lam,
phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao, “chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát,
kể hàng triệu, nhưng không thực hiện được”[6].
Hồ Chí Minh rất không bằng lòng với thói quen chậm chạp, tùy tiện, không
đúng giờ của nhiều cán bộ, coi đó là thái độ không tôn trọng thời giờ của những
người khác. Người thường không để ai phải đợi mình, chủ động đến trước nếu có
thể. Năm 1953, tại Việt Bắc, Người vượt qua mưa gió để đến thăm lớp chỉnh huấn
của anh chị em trí thức theo lịch hẹn. Người chủ động đến thăm đoàn cán bộ Hà
Nội dịp tết năm 1956, khi đoàn đang chuẩn bị lên Phủ Chủ tịch chúc tết Người
thì gặp mưa, lúng túng chưa xử lý được...
+ Phong cách làm việc luôn đổi mới.
Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới. Người nói: “Tư tưởng
bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có
tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”[7]. Cuộc đời Người là
một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức động viên, khích lệ, gợi mở sự đổi
mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta.
c) Phong cách diễn đạt
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong
cách nói và viết của người. Tùy theo mục đích, đối tượng, thể loại mà Người có
cách viết khác nhau, theo tiêu chí mà Người xác định là: Viết cho ai? Viết để
làm gì… Từ đó, Người có phong cách diễn đạt rất đa dạng, phong phú với những
đặc trưng cơ bản:
- Cách nói, cách viết
giản dị, cụ thể, thiết thực.
Mục đích nói và viết của Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi,
dễ hiểu với tất cả mọi người. Vì vậy, Người hay dùng cách nói, cách viết giản
dị, cụ thể, thiết thực.
- Diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao.
Bác Hồ thường viết ngắn, có khi rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo
Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của
đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”,
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng
cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”... Chính vì vậy, những tư tưởng
lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng
dẫn họ hành động. Đó là điều ước muốn của mọi nhà tư tưởng, nhà lý luận chân
chính mà không phải ai cũng đạt tới được.
- Sinh động, gần gũi với
cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể.
Khi nói, khi viết Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu
thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động,
gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai
vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “lý luận như cái tên, thực
hành như cái đích” để bắn; “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt
sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận
dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...
- Phong cách diễn đạt
luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng.
Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí
Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh
thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo (trong tác phẩm Bản án chế độ thực
dân Pháp); sự sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, ân cần trong
giảng giải, sáng sủa trong thuyết phục… Người dạy: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tuởng và
lòng ước ao của quần chúng”[8].
d) Phong cách ứng xử
Phản ánh nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức trong sáng của Người, nét
chung tạo nên tính nhất quán trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân
thành, bình dị, tự nhiên với những đặc trưng nổi bật:
- Khiêm tốn, nhã nhặn,
lịch thiệp.
Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao
hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người
chung quanh.
- Chân tình, nồng hậu,
tự nhiên.
Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình,
hay một câu nói đùa, Người đã tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái,
thân thiết như trong một gia đình. Sự ân cần, nồng hậu, xóa bỏ mọi nghi thức,
đi thẳng đến trái tim con người bằng tình cảm chân thực, tự nhiên, đó là nét
nổi bật trong phong cách ứng xử của những nhà văn hóa lớn của mọi thời đại.
- Linh hoạt, chủ động,
biến hóa.
Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng
hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm
chước cái nhỏ.
- Vui vẻ, hòa nhã, xóa
nhòa mọi khoảng cách.
Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh, luôn xuất hiện
với thái độ vui vẻ cùng với sự hóm hỉnh, năng khiếu hài hước, đã xóa đi mọi
khoảng cách, những nghi thức trịnh trọng không cần thiết, tạo không khí chan
hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng, giữa những người bạn... Điều đó lý
giải vì sao, mỗi khi Bác Hồ xuất hiện ở đâu là ở đó rộn lên niềm vui và tiếng
cười hồ hởi không dứt.
đ) Phong cách sống
Nét chung trong phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất mực giản
dị, thanh cao, đạm bạc trong đời sống vật chất, nhưng lại vô cùng phong phú về
những giá trị đạo đức - tinh thần; chứa chan tình yêu thương con người, yêu
cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Nổi bật là:
- Sống cần, kiệm, liêm,
chính.
Cả trong lời nói và việc làm, Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình thực hiện cần,
kiệm, liêm, chính:
+ Về ăn, khi ở Pari hoa lệ hay
lúc về hoạt động bí mật tại vùng Pác Bó, kể cả khi trở thành Chủ tịch nước,
Người vẫn thích lối ăn đạm bạc, mang tính truyền thống quê hương. Có “của ngon,
vật lạ”, Người thường không chịu ăn một mình, mà san sẻ đều cho những người
cùng đi, để phần cho người đi vắng.
+ Về mặc, quần áo và cách mặc của
Bác Hồ vô cùng giản dị, gần gũi và thân quen như mọi người xung quanh mà vẫn
lịch sự, tao nhã. Khi ở miền núi, Người mặc bộ đồ chàm như một ông ké người
Nùng; đến với nông dân, Người mặc bộ cánh nâu, khăn mặt vắt vai như một lão
nông; khi đi chiến dịch, Người mặc bộ quân phục như một chiến sĩ…
+ Về chỗ ở, Hồ Chí Minh đề ra là
gần gũi với thiên nhiên: trên có núi, dưới có sông; có đất ta trồng, có bãi ta
chơi; nhà thoáng ráo, kín mái; gần dân, không gần đường. Vì vậy, sau khi giải
phóng Thủ đô, về Hà Nội, Người không vào ở trong Dinh Toàn Quyền, nói thác là
vì “nó có mùi thực dân”!
+ Trong sinh hoạt đời thường,
việc gì có thể làm, Người đều tự làm, không muốn phiền người khác. Thật cảm
động và gần gũi khi xem hình ảnh dọc đường đi công tác, Người tắm suối, tự giặt
quần áo, phơi lên sào rồi vác đi tiếp, bình dị, tự nhiên như một lão nông.
Mỗi khi đi công tác xuống cơ sở, Bác ít khi báo trước, hoặc yêu cầu địa
phương không được tổ chức đón tiếp linh đình. Người dặn, đi như thế này mới
thấy sự thật. Nếu báo trước thì không thấy gì hết.
- Sống hài hòa, kết hợp
nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây.
Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho - Phật - Lão, vừa chịu ảnh
hưởng sâu đậm của văn hóa Âu - Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn
hóa Việt Nam.
- Tôn trọng quy luật tự
nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
Những người được sống bên Bác đều cho biết: chưa bao giờ thấy Bác phàn nàn
về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ,
trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ
thuận theo tự nhiên mà sống.
Như mọi trí thức phương Đông khác, những khi rỗi rãi, Người cũng làm thơ.
Trong thơ có trăng, có hoa, mai vàng, tuyết trắng, chim rừng về tổ, mây lượn
tầng không, có hoàng hôn, nắng sớm… Tất cả đều được nhân cách hóa, giao hòa với
con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong
cách vô cùng quý giá; là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam
vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập
dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công
cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị
thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.397.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.404-405.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.51.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.81.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.115.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.345.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét