Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

NHỮNG HIỂU BIÊT CHUNG VỀ SUY THOÁI, “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG NỘI BỘ

NHỮNG HIỂU BIÊT CHUNG VỀ SUY THOÁI, “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG NỘI BỘ
1. “Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”
- Theo từ điển tiếng Việt: “Suy thoái là ở tình trạng suy yếu và sút kém dần, có tính chất kéo dài…[1].
Xét về mặt ngôn ngữ, khái niệm: Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người.
- “Suy thoái về tư tưởng chính trị” là sự biến đổi theo chiều hướng xấu dần về phẩm chất chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng dẫn đến ngày càng xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; xa rời lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xa rời Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời đường lối của Đảng.

- “Suy thoái về đạo đức, lối sống” là ngày càng xa rời những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, trượt dần sang lối sống tư sản, hoặc quay về với những thói hư, tật xấu của lối sống phong kiến cổ hủ… sẽ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Có thể hiểu, “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là quan niệm chỉ những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực, không bình thường; là sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống đã và đang diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Đây là một thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
 MQH Suy thoái về tư tưởng chính trị- suy thoái đạo đức, lối sống
 Suy thoái về tư tưởng chính trị thường đi liền với suy thoái đạo đức, lối sống.
+ Vì vậy, có thể xác định suy thoái về tư tưởng chính trị qua suy thoái đạo đức, lối sống và cũng có thể nhìn vào suy thoái đạo đức, lối sống để nhận biết được suy thoái về tư tưởng chính trị trong mỗi cán bộ, đảng viên.
+ Thông thường sự suy thoái về đạo đức, lối sống dễ nhận thấy và xuất hiện trước. Khi sự suy thoái này kéo dài không được ngăn chặn sẽ xuất hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị xuất hiện trước và là nguyên nhân đưa đến suy thoái về đạo đức, lối sống.
  Phân biệt: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khác với hành vi, tâm lý xã hội khác
+ Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khác với những băn khoăn, lo lắng, bức xúc, có lúc thiếu lòng tin;
+ Khác với vi phạm một số khuyết điểm, chấp hành không nghiêm một số quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Sự phát triển, sự suy thoái bao giờ cũng mang tính bản chất, tính tổng thể của sự vật, hiện tượng, quá trình hay con người và tổ chức của con người.
Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên.
Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện tính chất, mức độ khác nhau, diễn ra ở các đối tượng từ đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (kể cả cán bộ cao cấp); đến đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Nhận diện, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có thể chia thành hai nhóm:
Nhóm đối tượng thứ nhất: Là suy thoái của nhóm cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền; trong đó, có những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao.
Nhóm này có nguy cơ suy thoái cao và nguy hại lớn, vì sự liên quan lớn đến quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội của họ. Đặc trưng bản chất nhất của sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Mà tham nhũng thường xảy ra ở những nơi có quyền lực và ở những người nắm quyền lực.
Nhóm đối tượng thứ hai: Sự suy thoái của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền, chỉ chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ đảng viên; bị kích động, thậm chí có người ý thức chính trị kém, bị kẻ địch lợi dụng lôi kéo...
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị của nhóm đối tượng này là thiếu niềm tin vào các cấp, nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không làm tròn nhiệm vụ người đảng viên.
 2. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
- Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”[2].
- Tự diễn biến” xét về mặt ngôn ngữ, khái niệmquá trình tự vận động, biến đổi từ bên trong của chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ từ nhận thức chuyển sang hành động của chủ thể.
Quá trình tự diễn biến có thể cho hai kết quả: tích cực hoặc tiêu cực.
Dưới góc độ chính trị, tư tưởng: “Tự diễn biến” là thuật ngữ chỉ sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực về tư tưởng chính trị của con người; là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, giữa hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên, quần chúng trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế.
Trong đó, yếu tố tiêu cực và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phai nhạt dần.
- “Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nhưng ở mức độ cao hơn.
Đó là sự thay đổi về chất.
Khi quan điểm, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, quần chúng đã thay đổi sẽ dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lúc này đội ngũ cán bộ, đảng viên không còn là chính mình nữa.
Cán bộ, đảng viên chẳng những đánh mất vai trò lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu mà còn phản bội lại mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Những người thoái hóa, biến chất này lại lôi kéo, mua chuộc, gạ gẫm, ép buộc người khác hùa theo cùng chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ ta. 
- Trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực tiễn của Việt Nam cho thấy:
+ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng - chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của nước ta.
+ “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường do những nguyên nhân:
Sự tác động từ hoạt động tuyên truyền thù địch
Sự tác động tiêu cực của diễn biến tình hình thế giới (như sự sụp đổ của chế độ Nhà nước Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay từ các cuộc “cách mạng màu” - Cách mạng đường phố; “cách mạng mùa xuân Ả Rập”…)
Sự tác động bởi tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phân hóa giàu nghèo gia tăng dẫn tới sự bất mãn, bất bình trong xã hội.
Chủ yếu là nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên, quần chúng do lập trường tư tưởng - chính trị không vững vàng, do bất mãn hay do sự buông lỏng công tác quản lý, giáo dục của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội…
- MQH “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”
“Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là hai khái niệm có nội hàm khác nhau nhưng lại gắn kết với nhau trong một quá trình vận động, biến đổi của con người, tổ chức.
“Tự chuyển hóa” bắt đầu bằng “tự diễn biến” và “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” trong những điều kiện nhất định.
Quá trình diễn ra “tự diễn biến” cũng là quá trình diễn ra “tự chuyển hóa”, nhưng đang ở trong những giới hạn nhất định; đến một lúc nào đó từ “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” toàn bộ, lúc đó con người, tổ chức sẽ thay đổi hoàn toàn về bản chất.
  Phân biệt: “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải là “diễn biến hòa bình”.
“Diễn biến hòa bình” là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, tác động chuyển hóa các nước xã hội chủ nghĩa đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Mặc dù không phải là “diễn biến hòa bình”, song “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại với “diễn biến hòa bình”.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả nảy sinh từ phương thức, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”.
“Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đến lượt nó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thúc đẩy “diễn biến hòa bình”
VD: việc thúc đẩy cái gọi là “cách mạng màu”… ở trong các nước xã hội chủ nghĩa cũng như các nước đối lập, đối đầu với Mỹ và đồng minh; trong đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhân tố bên trong quan trọng nhất.
- “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “diễn biến hòa bình” đều dẫn đến kết cục giống nhau, nhưng chúng có những điểm khác nhau:
(1) Chủ thể của “diễn biến hòa bình” là các thế lực thù địch, các nước đế quốc tư bản, các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bành trướng và bá quyền; còn chủ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là chính cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Mục tiêu “diễn biến hòa bình” chỉ có thể thực hiện được khi cán bộ, đảng viên, quần chúng của ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
(2) Hành vi do “diễn biến hòa bình” gây ra thường mang tính thụ động, dưới sự tác động của các nhân tố bên ngoài, đó là loại hành vi bị “sai khiến”, bị “kích động”, bị “mua chuộc”, bởi các thế lực thù địch và các tổ chức phản động (chủ thể không phải tự nguyện, tự giác khi thực hiện hành vi).
Hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là loại hành vi xuất phát từ chính bản thân chủ thể, mang tính chủ động, tự quyết, tự nguyện, tự giác.
- Có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là quá trình diễn ra sự suy thoái từ bên trong; là quá trình thay đổi từng bước từ lượng đến chất về tư tưởng và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các phẩm chất của người cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc quan điểm mácxít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đó là quá trình đấu tranh trong nội tâm cán bộ, đảng viên, quần chúng; khi những yếu tố tiêu cực tăng dần lên, yếu tố tích cực, cách mạng bị phai nhạt, triệt tiêu, lúc đó cán bộ, đảng viên, quần chúng từ người tốt trở thành phần tử chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang thực sự trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu đối với Đảng, Nhà nước, xã hội ta. Do vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.
- Hình thức biểu hiện “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như sau:
Một là, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về tư tưởng chính trị:
Là những thay đổi theo hướng phủ định chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận hệ thống chính trị của Việt Nam; phủ định đường lối, quan điểm, các chủ trương và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai là, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về tư tưởng pháp quyền:
Là sự giảm dần niềm tin vào chân lý, tính đúng đắn của những tư tưởng, quan điểm pháp quyền của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó không chỉ đã và đang “tự diễn biến” mà còn “tự chuyển hoá” thành những tư tưởng đối lập.
Ba là, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về tư tưởng văn hóa, đạo đức:
Là hiện tượng sùng bái tư tưởng đạo đức, lối sống tư sản; từ bỏ các giá trị đạo đức, lối sống mang bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao quá mức chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hưởng lạc, hám danh.



[1] Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội, 2013, tr.1127.
[2] Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - thông tin, Hà Nội, 1998, tr.407-538.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét