Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Trận đánh Núi Thành - Trận đầu tiên đánh Mỹ và thắng Mỹ

          
               Đầu năm 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản không gì cứu vãn nổi. Trước nguy cơ đó, Mỹ bắt buộc phải tính đến nước cờ liều lĩnh, đẩy cuộc Chiến tranh đặc biệt sang cuộc Chiến tranh cục bộ trên toàn miền nam. Sĩ quan, binh lính Mỹ trực tiếp tham chiến cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại.

        Ngày 8-3-1965, Đại đội đầu tiên của tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng. Tiếp đó, ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ đổ bộ lên địa phận xã Kỳ Liên nằm sát cảng Kỳ Hà. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã đưa vào đây năm tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội xe bọc thép M113 và M118, một đại đội pháo tự hành, năm phi đoàn máy bay lên thẳng, một phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích. Chúng tiến hành khủng bố đuổi dân hai xã Kỳ Liên, Kỳ Hà (nay là hai xã Tam Quang và Tam Nghĩa - Núi Thành) đi nơi khác, lấy đất xây dựng căn cứ Chu Lai, đồng thời triển khai lực lượng chiến đấu, mở nhiều cuộc càn quét nhằm tạo vành đai bảo vệ căn cứ này.
          Một tình thế mới của cuộc chiến đấu đã đến. Tỉnh ủy và Ban cán sự tỉnh đội đặt ra câu hỏi: Sẽ hành động sao đây? Giữa lúc đó, chúng tôi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu là chuyển hướng từ đánh ngụy sang đối tượng mới là đánh Mỹ. Lúc này, chung quanh các căn cứ của Mỹ ở Đà Nẵng và Chu Lai đang dần dần hình thành các vành đai diệt Mỹ. Các lực lượng du kích của ta, trong quá trình đụng độ với quân Mỹ, đã đánh những trận nhỏ, tiêu diệt quân Mỹ nống ra khỏi căn cứ.
        Khi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà và Quảng Nam đưa ra quyết tâm: Chưa giải phóng miền nam ta còn phải chiến đấu, chiến tranh kiểu gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu, lâu dài bao nhiêu cũng đánh... Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ xâm lược đến cùng, bằng hai chân ba mũi giáp công, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
            Đánh trận Núi Thành
             Sau khi đổ bộ vào Chu Lai, bọn Mỹ cho một đại đội Mỹ lên chốt ở Núi Thành, một ngọn đồi cách đường quốc lộ số 1 và đường sắt bắc nam hơn một km về phía tây. Mục đích của bọn Mỹ khi lập cứ điểm này là để bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ Chu Lai, từ đó khống chế sâu vào vùng giải phóng của ta.
           Núi Thành là một ngọn đồi dài 1.450 m, rộng 900 m, độ cao ở mỏm cao nhất là 50 m. Vì nằm ngay cạnh đường số 1 và đường sắt bắc - nam cho nên việc đi đến Núi Thành đều thuận lợi. Chỉ có hướng tây, vì tiếp giáp với dải đồi thấp của Trường Sơn cho nên việc đi lại có phức tạp hiểm trở hơn. Nếu chiếm được Núi Thành sẽ khống chế được cả một vùng rộng lớn từ Dốc Sỏi (ranh giới tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi) đến ga An Tân, uy hiếp trực tiếp căn cứ Chu Lai.
             Ngày 19 tháng 5 năm 1965, Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn 70, tổ chức Lễ kỷ niệm mừng sinh nhật Bác tròn 75 tuổi và lập kế hoạch tiến công trận Núi Thành. Phương án đề ra với sự quyết tâm cao được cấp trên duyệt và giao cho Đại đội 2 trực tiếp xung trận. 
           Lễ xuất quân được tổ chức tại thôn 4 xã Kỳ Thạnh (Nay là xã Tam Thạnh) được nhân dân nơi đây đến dự và động viên, cỗ vũ tinh thần chiến đấu đến từng cán bộ, chiến sĩ với niềm tin chiến thắng tiêu diệt giặc Mỹ xâm lược.
      Cuộc hành quân bắt đầu lúc 15 giờ, ngày 25 tháng 5 năm 1965, lúc này đài quan sát của ta ở Núi Thành thông báo tình hình địch không có biến động gì nên cuộc hành quân của ta bắt đầu. Trên đường hành quân trong đêm, bất ngờ gặp cơn mưa giông làm cho đường đất tháng hè đang khô ráo bỗng trở nên trơn trợt. Tuy vậy, các chiến sĩ vẫn đến nơi tập kết đúng hẹn và được lệnh để lại tư trang phía sau, chỉ để lại trên người chiến sĩ chiếc quần đùi và vũ khí cá nhân trước khi xung trận. Lúc nầy, trên da từng chiến sĩ được ngụy trang bằng một lớp đất bùn pha cát trông bờn bợt như tượng đồng lẫn màu đất, nếu có đèn pha của địch từ trên đồi vẫn khó phát hiện được.
       Khi vượt qua suối Cà Lơ có một chiến sĩ bị trượt chân bị ngã làm bong gân nên không thể theo đoàn. Vậy là Đại đội 2 vào trận chỉ còn 63 người (Kể cả cán bộ và chiến sĩ). Cơn mưa giông vừa dứt. Bầu trời đầy sao khuya như sáng hơn soi rõ đường đi để đoàn quân tiến nhanh về phía đồi và kịp thời triển khai đội hình.
         Trên đồi Yên Ngựa về hướng Tây của mõm đồi 49, bộ phận súng cối đặt một khẩu 60 li, yễm trợ cho 2 mũi đánh thẳng vào mõm 49 và 50. Đ/chí Vũ Thành Nam chỉ huy, tiến nhanh lên phía trước áp sát đồi sau khi vượt qua các lớp kẽm gai dày đặt. 
        Giờ lịch sử đã điểm, một không gian yên tĩnh chỉ nghe tiếng côn trùng, cả đơn vị nằm yên đợi lệnh. Đ/chí Trần Ngọc Ảnh được nhận nhiệm vụ bò xuống công sự tiến đến sát các tên lính Mỹ chừng vài, ba mét; nghe mùi hăng hắc của lính Mỹ toả ra rất khó chịu và thằng Mỹ nào cũng nhai luôn miệng (Lúc nầy các chiến sĩ ta chưa biết kẹo su). Ảnh bám sát mục tiêu và đợi lệnh phát hỏa ! Toàn cảnh đồi Núi Thành màn đêm dày đặt, bầu trời lên cao và nhấp nháy sao khuya chi chít… 
          Đúng 0 giờ ngày 26-5, Đại đội trưởng Võ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh, mũi trưởng ở hướng chủ yếu đánh quả thủ pháo đầu tiên vào công sự Mỹ. Ngay sau đó, tất cả các mũi nổ súng đánh phủ đầu quân Mỹ. Tiếng súng trên Núi Thành đã thành tiếng súng phát lệnh chung cho các mục tiêu khác như cầu Ông Bộ, cầu An Tân, thị xã Tam Kỳ cùng đồng loạt nổ súng. Từng tổ ba người phát triển theo hình chữ A dùng tiểu liên, thủ pháo lựu đạn lần lượt đánh chiếm từng hầm một từ ngoài vào trong. Sau tám phút, bộ đội ta đã tiêu diệt và chiếm tuyến công sự vòng ngoài. Đại đội trưởng Năm nhanh chóng bám sát đơn vị. Vận động lên được nửa đường, Năm gặp một tên Mỹ tay không súng, đầu không mũ từ trên cao lao xuống tháo chạy. Anh vừa đưa khẩu súng ngắn lên thì tên Mỹ vồ ngay lấy anh. Phát đạn nổ vụt lên trời. Năm ôm lấy tên Mỹ quật lộn về phía sau. Lúc đó, mũi trưởng Ảnh vừa lao tới sẵn quả lựu đạn chày trong tay, quật thẳng vào mặt tên Mỹ, Năm bắn bồi thêm một phát đạn kết liễu tên Mỹ, rồi anh cùng anh em tiếp tục xông lên.
         Ở mũi thứ yếu hướng tây đồi 50 có độ dốc cao hơn cho nên bị địch dùng hỏa lực để ngăn chặn. Anh em vẫn kiên quyết dùng lựu đạn, thủ pháo, lưỡi lê đánh giáp lá cà. Nhưng hỏa lực địch vẫn bắn mạnh, làm mũi này chưa phát triển được.
           Đại đội trưởng Năm, mũi trưởng Ảnh chỉ huy mũi chủ yếu phát triển nhanh sang chi viện cho mũi thứ yếu. Sau hai mươi phút chiến đấu, quân ta ở hai mũi đã gặp nhau. Bộ đội lần lượt đánh chiếm các hầm và hoàn toàn làm chủ đồi 50.
          Lúc đó ở mỏm đồi 49, anh em đã đánh chiếm được tầng công sự thứ hai ở vòng ngoài thì gặp một khẩu đại liên địch bắn tạt ngang đội hình. Ba đồng chí làm nhiệm vụ đột kích bị thương. Đồng chí mũi trưởng đã kịp thời điều tổ dự bị lên cùng anh em còn lại, mở thêm một hướng đột kích khác từ đông bắc đánh thọc thẳng vào trong, cắt đội hình địch, diệt khẩu đại liên, rồi nhân điều kiện thuận lợi được tạo ra, anh em phát triển đánh chiếm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ trận địa. Trong lúc đó, trận địa hỏa lực của Tiểu đoàn 70 bắn khống chế không cho quân Mỹ còn sống sót chạy về Chu Lai.
           Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã diệt gọn một đại đội Mỹ đóng trên Núi Thành, làm chủ toàn trận địa. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược" đã tung bay trên đỉnh đồi 50 của cứ điểm Núi Thành.
              Chiến thắng trận Núi Thành là một tất yếu trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta với bọn xâm lược. Nó được hun đúc từ lòng yêu nước, ý chí quả cảm và sự sáng tạo vô bờ bến của toàn Đảng, toàn dân ta. Mặc dù ở trận Núi Thành, ta chỉ tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ nhưng là trận đánh Mỹ đầu tiên cho nên có ý nghĩa rất lớn. Điều đó cho thấy rằng, dù bọn xâm lược từ đâu đến, dù tiềm lực mạnh đến mức nào hoặc dù chúng chiếm cứ ở địa danh này hay địa danh khác trên mảnh đất Việt Nam anh hùng thì chúng cũng sẽ bị thất bại thảm hại. Trận đánh phủ đầu thành công diễn ra ở Núi Thành là một minh chứng cụ thể. Không lâu sau đó, trong Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, quân và dân Quảng Nam đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tặng tám chữ vàng "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét