Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN

CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN VỚI BỒI DƯỠNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN DÂN VẬN CHO HỌC VIÊN  ĐÀO TẠO CHÍNH TRỊ VIÊN Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
                                                             
           Mùa đông năm 1944, cách đây vừa tròn 70 năm, tình hình thế giới và trong nước đã xuất hiện tình thế cho một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, nhân dân Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng phát động khởi nghĩa vũ trang theo Chỉ thị “về sửa soạn khởi nghĩa” của Tổng bộ Việt Minh, ngày 07/5/1944. Hồ Chí Minh với một tư tưởng quân sự vượt trội, một nhãn quan chính trị sắc xảo, tầm nhìn chiến lược đã phân tích và dự báo đúng tình tình cách mạng, người đã nhấn mạnh trong tình hình hiện nay “chính trị còn trọng hơn quân sự”, chính trị là một động lực to lớn, phải tập trung xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng, để đấu tranh chính trị quần chúng, đây là một bước chuẩn bị cơ bản cho những trận chiến đấu quyết liệt của nhân dân ta và Người đã chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa. Tháng 12/1944, tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta.
Chỉ thị nêu rõ “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Đúng như phương châm hành động, ngay sau khi thành lập, công tác chính trị trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được tiến hành với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, động viên tinh thần, viết bích báo, thực hiện “tố khổ”, “kể khổ”, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền dân vận, xây dựng mối quan hệ “cá nước quân dân”, “với nguyên tắc hoạt động phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”[1], tư tưởng đó còn thể hiện trong lời thề thứ 9 của Đội “khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba đều răn: không lấy của dân; không doạ nạt dân; không quấy nhiễu dân, và ba đều nên: kính trọng dân; giúp đỡ dân; bảo vệ dân; để gây lòng tin cậy ái đới đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước”[2].
         Nhiệm vụ tuyên truyền dân vận chủ yếu của Đội lúc này là “ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, làm cho nhân dân quán triệt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và chính phủ trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại”[3], quân đội phải góp phần huy động đông đảo nhân dân tham gia kháng chiến trên mọi mặt. Công tác tuyên truyền vận động phải làm cho dân chúng, cơ quan hành chính, các đoàn thể và bộ đội hiểu biết lẫn nhau, tin cậy giúp đỡ nhau, thực hiện Khẩu hiệu “quân dân nhất trí”. Tại Hội nghị Tuyên truyền và Báo chí toàn quân, ngày 07/7/1947 đã đánh giá “công tác dân vận có nhiều thành tích, tuyên truyền của bộ đội có thể nói là ngang hàng với tuyên truyền kháng chiến”[4]. Kết quả cho thấy công tác dân vận thời kỳ này đã phát triển cả bền rộng và chiều sâu, tạo quân hệ quân dân tốt, bộ đội thực sự được dân tin yêu, dân trọng, dân phục và có sự gắng bó quân dân, các đội võ trang tuyên truyền thực sự có tác dụng rất lớn. Năm 1948 các đơn vị quân đội đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn kịch, triển lãm, phát thanh được 2.784 lần, huấn luyện du kích 886.317 người; gặt lúa, cấy, cày giúp dân 510,6 mẫu”, nhiều nơi hình thành các hội “Mẹ chiến sĩ”, “Đỡ đầu bộ đội và dân quân”[5].
           Tuyên truyền dân vận là một hình thức trong công tác dân vận, công tác vận động quần chúng của Đảng, của quân đội, tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự”,  “tuyên truyền trọng, hơn tác chiến” không những đúng với lịch sử mà vẫn còn nguyên giá trị hiện thực “quân đội là trụ cột của chiến tranh nhân dân hiện nay”, nên quân đội nhân dân phải bảo đảm cho sự thống nhất và phối hợp quân - dân - chính.
         Hiện nay, bọn cơ hội, bất mãn về chính trị trong và ngoài nước cùng với các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề dân chủ, dân tộc, nhân quyền và tôn giáo, nói xấu, bôi nhọ chế độ, gây hoài nghi, kích động, lôi kéo, tập hợp nhân dân, gây mâu thuẫn, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng - Dân, Quân - dân “cá nước”….thì việc quán triệt những giá trị tư tưởng của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào thực hiện tốt công tác tuyên truyên dân vận hiện nay càng trở nên có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc. Đòi hỏi, quân đội phải làm tốt công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền dân vận nói riêng, góp phần xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững ổn định tình hình chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Trường Đại học Chính trị là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân, trong đó, đào tạo chính trị viên là chủ yếu - người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành các hoạt động công tác dân vận. Đòi hỏi, học viên đào tạo chính trị viên phải được bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền dân vận ngay từ khi còn ở Nhà trường, bởi vì, đối với chính trị viên “là linh hồn của bộ đội, công việc của chính trị viên rất nhiều và rất nặng, cho nên chính trị viên phải giác ngộ cách mạng sâu sắc, nhận thức cách mạng vững vàng, lý luận cách mạng khá, chính trị viên phải dúng tay vào tất cả công việc, chính trị viên phải có năng lực để dìu dắt người khác”[6]. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính trị viên, người chỉ huy cần phải bồi dưỡng công tác truyên truyền dân vận cho mỗi học viên đào tạo chính trị viên, bảo đảm đội ngũ này là lực lượng nòng cốt tổ chức các hoạt động tuyên truyền dân vận ở mỗi đơn vị cơ sở, trên địa bàn đóng quân.
        Trước hết, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho học viên về công tác tuyên tuyền dân vận. Tiến hành công tác truyên truyền dân vận chỉ có kết quả trên cơ sở  hiểu sâu sắc về công tác dân vận, từ đó mới có thái độ đúng và hành động tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính trị viên, người chỉ huy ở Trường Đại học Chính trị cần tập trung giáo dục, bồi dưỡng làm cho mỗi học viên nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng công tác dân vận của Đảng, của quân đội, nhiệm vụ dân vận của mỗi đơn vị, những nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của các cấp, trên cơ sở đó bồi dưỡng cho người học ý thức sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền dân vận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; lúc thuận lợi cũng như lúc có khó khăn, lúc ở gần cũng như lúc ở xa doanh trại, thực hiện phong cách dân vận của chủ tịch Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Phát hiện đấu tranh, ngăn chặn biểu hiện thoái thác nhiệm vụ, dễ làm, khó bỏ, giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho bạn, chạy theo hình thức, coi nhẹ chất lượng, hiệu quả công việc.
           Thứ hai, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho người học về công tác tuyên truyền dân vận. Yêu cầu khách quan đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền phải có phẩm chất và năng lực vận động quần chúng. Theo đó, cần phải bồi dưỡng cho người học có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn kính già, yêu trẻ, hòa nhã với mọi người, thương yêu, tôn trọng nhân dân, gần dân, giúp đỡ nhân dân để tạo nên uy tín, sức lôi cuốn đối với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[7]. Đồng thời, phải bồi dưỡng cho người học có kiến thức toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, nhất là quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo trên phạm vi cả  nước và ở từng địa bàn trọng điểm. Âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam trong chiến lược “diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Bản chất, truyền thống; chức năng, nhiệm vụ, mười lời thề danh dự của quân nhân, mười hai điều kỷ luật quan hệ quân dân. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; phong tục, tập quán, dân tộc, tôn giáo ở các địa bàn đại đội thực hiện công tác dân vận. Nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị cấp trên, kế hoạch công tác dân vận của mỗi đơn vị. Những vấn đề cơ bản về công tác dân vận của quân đội trong thời kỳ mới, nhất là tư tưởng, phương châm, nội dung, hình thức công tác dân vận trong quân đội hiện nay. Bồi dưỡng kỹ năng kỹ năng thâm nhập, nghiên cứu nắm tình hình địa bàn dân vận; kỹ năng tuyên truyền vận động nhân dân; kỹ năng tổ chức các hoạt động xây dựng cơ sở địa phương; kỹ năng xử trí các tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân vận của đại đội.
           Hình thức bồi dưỡng đa dạng, phong phú, như: thông qua giáo dục - đào tạo theo chương trình cơ bản; thông qua sinh hoạt phổ biến, quán triệt nhiệm vụ; giao ban, hội ý lãnh đạo, chỉ huy; diễn đàn, mạn đàm, trao đổi, kể chuyện, nói chuyện chuyên đề về công tác dân vận; hướng dẫn, cấp phát tài liệu cho học viên tự nghiên cứu; tổ chức thi, tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến công tác dân vận của đại đội; thông qua hoạt động thực tiễn của đơn vị, tổ chức rút kinh nghiệm, tham quan điển hình xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ dân vận của đơn vị tại địa phương và đơn vị bạn…
  Ba là, bồi dưỡng nội dung, hình thức tuyên truyền dân vận. Yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền dân vận hiện nay phải thiết thực, với phương châm “cụ thể, chính xác, hiệu quả”, tránh chung chung, dàn trải. Nội dung công tác tuyên truyền vận động nhân dân phải gắn liền với đời sống thực tiễn, thực sự đi sâu vào đáp ứng lợi ích của người dân. Song cần tập trung vào hai lĩnh vực cơ bản là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Theo đó, đối với việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Nhà nước, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được động lực cho nhân dân, làm cho dân biết, dân hiểu đường lối mới của Đảng hiện nay là vì dân, mục đích cuối cùng là phục vụ sự nghiệp của nhân dân. Đảng lãnh đạo là tập trung ý chí, nguyện vọng trí tuệ của nhân dân, đề ra chiến lược, sách lược cụ thể và tổ chức nhân dân thành một sức mạnh to lớn thực hiện mục tiêu “Dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” công tác tuyên truyền phải bảo đảm cho dân hiểu và thấy đường lối đổi mới của Đảng hiện nay có lợi ích của chính họ, có như vậy mới thuyết được nhân dân tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng và nâng cao tinh thần tự giác thực hiện trong nhân dân. Tuyên truyền về âm mưu thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế thù địch. Trước hết cần phải làm cho dân hiểu rõ của bản chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ mà các thế lực thù địch đã và đang chống phá cách mạng nước ta. Trong lĩnh vực này cần tập trung vào những khâu then chốt những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như xây dựng ý thức cảnh giác cách mạng trong nhân dân, nhận rõ đối tượng, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của kẻ thù, chủ động phòng ngừa hạn chế những sơ hở, thiếu sót, không để kẻ thù có điều kiện thực hiện chống phá gây nên tự diễn biến ở địa phương; kết quả công tác tuyên truyền phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao sức đề kháng về mặt tư tưởng cho nhân dân chống “diễn biến hòa bình” trong mỗi người dân trong mọi gia đình và địa bàn nơi làm mọi công tác dân vận, đẩy lùi các khuynh hướng tư tưởng thù địch, những quan điểm mơ hồ lệch lạc muốn phủ nhận quá khứ, phủ nhận thành quả cách mạng nhân dân ta.
Hình thức tuyên truyền đa dạng phong phú, như tuyên truyền miệng, vận động thuyết phục, giải thích, nói chuyện thời sự, giao tiếp, ứng xử, gương mẫu, giúp dân, … sao cho phù hợp đối tượng, trình độ, tâm lý, sở thích, nhu cầu, văn hoá của từng địa bàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Tuyên truyền phải miệng nói, tay làm, phải tùy từng hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân, thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy, cán bộ phải làm gương mẫu[8]”.
Bốn là, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, tăng cường kinh phí và thường xuyên rút kinh nghiệm việc bồi dưỡng công tác tuyên truyền dân vận cho học viên. Công tác tuyên truyền dân vận đòi hỏi phải có cơ sở vật chất để phục vụ nhất là các phương tiện truyền thanh và các loại vật chất khác để hỗ trợ, làm tăng thêm chất lượng hoạt động tuyên truyền. Việc tăng cường kinh phí cho hoạt động tuyên truyền dân vận là một vấn đề khó khăn hiện nay, khinh phí trên cấp rất hạn hẹp trong khi nhu cầu cho công tác dân vận nói chung và công tác tuyên truyền dân vận nói riêng cần rất lớn, để tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động công tác tuyên truyền như tổ chức giao lưu văn nghệ tuyên truyền…. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần tăng cường kinh phí, thì phát huy nguồn tự bổ sung của các đơn vị, bảo đảm hoạt động bồi dưỡng có hiệu quả, đồng thời làm tốt công tác rút kinh nghiệm sau mỗi làm tuyên truyền dân vận. Sau mỗi đợt dã ngoại làm công tác dân vận, diễn tập phải tiến hành rút kinh nghiệm nghiêm túc trên các mặt của hoạt động tuyên truyền dân vận, chỉ rõ mặt mạnh, yếu, nguyên nhân của hoạt động tuyên truyền. Biểu dương những tập thể và cá nhân có thành tích, nhắc nhở đối với bộ phận, cá nhân còn có những hạn chế, yếu kém trong hoạt động tuyên truyền. Có kế hoạch phối hợp với chính quyền nhân dân địa phương để rút kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền dân vận lần sau làm tốt hơn./. 

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H.2006, tr.84
[2] 50 năm quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb Nhân dân Hà Nội II. H.1994, tr.4
[3] Lịch sử CTĐ, CTCT trong QĐNDVN, Nxb QĐND, H.2001, tr.86
[4] Công tác tư tưởng văn hoá trong quân đội NDVN, Nxb QĐND, H.2000, tr.32
[5] Lịch sử Cục dân vận và truyên truyền đặc biệt 1947-2007, Nxb QĐND, H.2008, tr.77.

[6] Sách “Công tác chính trị trong quân đội”, Nxb Vệ Quốc đoàn, H.1945
[7] Hồ Chí Minh “Sửa đổi lối làm việc”, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG. 2010, tr.253
[8] Hồ Chí Minh “Bài nói chuyện tại trường chính trị trung cấp quân đội”, toàn tập, tập 6. Nxb CTQG. 2010, tr. 320

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét