Bối cảnh tình hình quốc tế
và khu vực đang và sẽ có những biến động phức tạp, khó lường, khuynh hướng hội
nhập kinh tế quốc tế và khu vực vẫn chiếm ưu thế, song cũng xuất hiện xu hướng bảo hộ mậu dịch và dân tộc chủ nghĩa. Để
tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao
mới, hai nước cần tiếp tục bổ sung và phát triển cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ
đạo hợp tác cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn
diện giữa hai nước.
Trong quá trình tăng cường
quan hệ hợp tác toàn diện, hai bên cần luôn luôn tôn trọng đường lối đối ngoại
độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của nhau.
Trong quan hệ hợp tác kinh
tế phải chú trọng tăng cường tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Các chương trình hợp tác, nhất
là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với
yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc
gia và phát triển bền vững của Lào. Việt Nam cần ưu tiên các dự án hợp tác với Lào phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát
triển của Lào. Đó là các dự án hợp tác về phát triển thủy điện, dự án xây dựng
đường giao thông ra biển; các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo
và phát triển nguồn nhân lực;...
Việt Nam và Lào cần phải
phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt trở thành động
lực thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế
phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, đưa hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong thời gian tới ngang tầm với quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước.
Tính chất đặc biệt của quan
hệ Việt Nam - Lào khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường ở chỗ nó là
quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, bao gồm cả chính trị, an
ninh, kinh tế, văn hóa,... phù hợp với thông lệ quốc tế, song có ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Để tăng cường quan hệ hợp
tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Lào, trong giai đoạn mới, trước mắt cần
tập trung hiện thắng lợi “Thỏa thuận Chiến lược về hợp tác kinh tế, văn
hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2011 - 2020”, tạo những tiền đề vật chất cần thiết đưa quan hệ hợp tác
Việt Nam -Lào lên tầm cao mới.
Định
hướng cơ bản của chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào trong thời gian
tới là: Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành
động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực
hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước. Trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức và
làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam
- Lào trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác
kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền thống giữa hai nước. Thấm nhuần tư tưởng
chỉ đạo: coi trọng, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống,
đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, xem đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục vụ lợi ích đảm bảo ổn định an ninh chính trị và phát triển của mỗi nước. Coi hợp tác và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ
chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một thế hệ mới kế cận có đầy đủ năng lực và
nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết
đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, tạo lòng tin vững chắc, lâu dài lẫn nhau, góp phần tăng cường
bền vững mối quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Đặc biệt coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp của các địa phương Lào, cán bộ làm việc ở các dự án giữa hai nước; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và bồi dưỡng, giữa số lượng và chất lượng, giữa đào tạo chính quy các bậc học với
đào tạo nghề.
Thường xuyên phối hợp và cụ thể hóa quan điểm về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trên tinh thần các tuyên bố chung và
thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước vào các nội dung hợp tác
kinh tế, văn hóa, khoa học -
kỹ thuật giữa hai nước. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên
nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần
quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi nước trên cơ sở những nội dung sau:
- Tiếp tục đầu tư và phát
huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của mỗi nước theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở cả hai nước.
- Quan
tâm đặc biệt tới việc bảo đảm kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết
mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển của Việt Nam để phục
vụ đầu tư, thương mại và hội nhập giữa hai nước trên
nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên.
- Tăng cường và nâng cao
vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và
doanh nghiệp hai nước. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc
phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới nhằm phát
triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tạo sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau lâu dài.
- Hai bên phối hợp chặt chẽ
việc rà soát, hoàn thành việc bổ sung sửa đổi các văn bản thỏa thuận, phối hợp
xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế mỗi nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi nước.
- Phối hợp chặt chẽ trong
việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa
phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước.
Trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam -Lào lên tầm cao
mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên
trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai
nước đã nhất trí: trước hết, tiếp tục củng cố,
tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước; duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống; tăng cường
tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực
về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn
diện Việt Nam - Lào cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét