GIỚI THIỆU TÓM TẮT
Tác phẩm TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
Tác phẩm TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
C.Mác và Ph-Ăng ghen (1848), Toàn
tập, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 1995, tập 4, tr 591 - 646
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và
Ph.Ăng ghen soạn thảo được công bố trước toàn thế giới. Ngày 14 tháng 2 năm
1848, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác bao gồm ba bộ phận hợp thành: Triết
học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Tuyên
ngôn của Đảng cộng sản là cương lĩnh chính trị và kim chỉ nam cho hành động của
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân
và nhân dân lao động toàn thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng
loài người thoát khỏi mọi áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội mới -xã hội xã
hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
I. HOÀN CẢNH
LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM
1. Tình hình kinh tế, xã hội Châu Âu những năm giữa thế kỷ XIX
-
Những năm giữa thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cơ bản đã
hoàn thành ở Châu Âu, cách mạng công nghiệp thúc đẩy phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa bộc lộ rõ tính hạn chế của nó. C.Mác, Ph.Ăng ghen đã phân tích và
đánh giá chính xác, toàn diện về chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu, luận giải quá
trình phát sinh, phát triển mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản, đồng
thời chỉ ra mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã trở nên gay
gắt.
Cùng với sự phát triển của hình thái kinh
tế tư bản chủ nghĩa giai cấp vô sản hiện đại ra đời và sớm bước lên vũ đài đấu
tranh chống lại giai cấp tư sản. Những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản trong
những năm 30, đầu những năm 40 của thế kỷ XIX đã cho thấy vai trò và sức mạnh
của giai cấp công nhân. Tiêu biểu là những cuộc đấu tranh của công nhân dệt ở
thành phố Ly-ông (Pháp) năm 1837 với những khẩu hiệu “Đòi việc làm”, “Cộng hoà
hay là chết”; cuộc nổi dậy của công nhân dệt vùng Xilêdi (Đức) năm 1844 với
khẩu hiệu “Xoá bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công bằng”; phong trào Hiến
chương ở Anh kéo dài 10 năm (1838-1848) với khẩu hiệu “Cải tiến chế độ bầu cử”…
Tuy các cuộc đấu tranh đều thất bại, nhưng ý thức chính trị của giai cấp công
nhân đã được xác định. Đó là ý thức giành chính quyền, ý thức xoá bỏ chế độ tư
hữu.
2. Những trào lưu tư tưởng ảnh hưởng tới phong trào đấu tranh của giai
cấp công nhân những năm giữa thế kỷ XIX
Những năm giữa thế kỷ XIX các trào lưu tư
tưởng hình thành đa dạng, phong phú nhưng rất phức tạp. Trào lưu tư tưởng ảnh
hưởng nhiều nhất đến “liên đoàn những người chính nghĩa” là : chủ nghĩa xã hội
không tưởng của Weiterning; các trào lưu tư tưởng ảnh hưởng tới phong trào công
nhân là chủ nghĩa xã hội không tưởng của Xanh Xi Mông, Xác-Lơ-Puriê, Rô Be Ôoen,
tư tưởng của các ông là một trong những tiền đề lý luận hình thành Học
thuyết Mác. Điểm tiến bộ trong tư tưởng của các ông là mong muốn xây dựng chế
độ công bằng, bác ái (mọi người đều có quyền bình đẳng).
Tuy nhiên, những trào
lưu chủ nghĩa xã hội không tưởng có những hạn chế rất cơ bản: không giải thích
được bản chất thối nát của chế độ đương thời (chế độ tư bản chủ nghĩa); chưa
vạch ra được quy luật vận động phát triển của xã hội, nhất là từ chủ nghĩa tư
bản lên chủ nghĩa xã hội; chưa nhận thấy vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân, cho rằng con đường đi tới chế độ công bằng, bình đẳng, bác ái không
phải là cách mạng xã hội mà là con đường giáo dục, nêu gương… Những hạn chế này
không những không đáp ứng được yêu cầu cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân mà
còn kìm hãm phong trào công nhân, làm lạc hướng mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp
tư sản và giai cấp vô sản, không góp phần thức tỉnh giai cấp công nhân.
Sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh của
giai cấp công nhân đòi hỏi bức thiết phải có một hệ thống lý luận khoa học dẫn
đường và đẩy lùi ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng khác.
3. Tình hình tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân
Vào thời kỳ này Châu Âu xuất hiện nhiều tổ
chức của giai cấp công nhân, song chưa có tổ chức nào thể hiện rõ tính chất của
một tổ chức chính trị. Một trong những tổ chức được C.Mác quan tâm nhiều hơn là
“Liên đoàn những người chính nghĩa” (thành lập 1836) do Jiô Dép Môn lãnh đạo.
Đây là một tổ chức mang tính quốc tế bao gồm những phần tử tiên tiến của giai
cấp công nhân ở nhiều quốc gia bị nhà nước tư sản trục xuất ra nước ngoài, sống
lưu vong ở nước Pháp. “Liên đoàn những người chính nghĩa” chịu nhiều ảnh hưởng
của tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng Weiterning. Tổ chức này mời C.Mác,
Ph.Ăng ghen tham gia nhưng hai ông đều từ chối, mặc dù không tham gia nhưng hai
ông vẫn thường xuyên trao đổi thư từ để từng bước giác ngộ tư tưởng chính trị
của ban lãnh đạo Liên đoàn.
C.Mác và Ph.Ăng ghen
chỉ đồng ý tham gia Liên đoàn với điều kiện: Liên đoàn cho phép C.Mác, Ph.Ăng
ghen trình bày quan điểm của mình trước đại hội của Liên đoàn. Mùa xuân năm
1847 ban lãnh đạo liên đoàn chấp thuận điều kiện do C.Mác và Ph.Ăng ghen nêu
ra, C.Mác và Ph.Ăng ghen chính thức tham gia Liên đoàn.
Tại Đại hội toàn thể của Liên đoàn (mùa hè
năm 1847) C.Mác, Ăng ghen trình bày rõ những quan điểm chính trị của mình, Đại
hội thảo luận và thừa nhận những quan điểm đó. Đại hội đổi tên “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành
“Liên đoàn những người cộng sản”, đổi khẩu hiệu, chương trình hành động “Tất cả mọi người đều là anh em” thành khẩu
hiệu “Vô sản các nước đoàn kết lại”. Đại hội thống nhất coi đây là Đại hội I của “Liên
đoàn những người cộng sản” và tuyên bố mục đích : “Lật đổ chế độ tư bản chủ
nghĩa, xây dựng xã hội mới - xã hội không có giai cấp”. Đại hội giao cho C.Mác,
Ph.Ăng ghen soạn thảo Cương lĩnh và Điều lệ của Liên đoàn.
Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1847, Đại
hội lần thứ hai Liên đoàn những người cộng sản đã thảo luận và thông qua cương
lĩnh, điều lệ của Liên đoàn do C.Mác, Ph.Ăng ghen khởi thảo, đồng thời, trên cơ
sở sự nhất trí ấy, C.Mác và Ph.Ăng ghen được Đại hội uỷ nhiệm đã hoàn chỉnh
Cương lĩnh của Liên đoàn và đổi tên thành
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, ngày 24 tháng 2 năm 1848 Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản ra đời.
Việc tuyên bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
đánh dấu sự ra đời của một học thuyết cách mạng – Học thuyết Mác. Lần đầu tiên
trong lịch sử loài người thực hiện được cuộc cách mạng tư tưởng với đỉnh cao
của trí tuệ, khám phá và hệ thống hoá những quy luật vận động của tự nhiên, xã
hội và tư duy của con người. Toàn bộ thành tựu trí tuệ của loài người được tổng
kết, khái quát. Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đáp ứng những đòi hỏi
về tư tưởng, lý luận và thực tiễn của phong trào công nhân.
II. TƯ TƯỞNG
CHỦ YẾU VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TÁC PHẨM
1. Tư tưởng chủ yếu của tác phẩm
C.Mác và Ph.Ăng ghen luận giải sứ mệnh lịch
sử thế giới của giai cấp vô sản, khẳng định giai cấp vô sản chỉ có thể giải
phóng mình khi đồng thời phải giải phóng toàn xã hội, đồng thời chỉ rõ giai cấp
vô sản không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử nếu không thành lập được chính đảng
của giai cấp. Đảng Cộng sản ra đời xuất phát từ vấn đề giai cấp và đấu tranh
giai cấp; từ yêu cầu thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản.
Đảng là người đưa yếu tố tự giác vào phong trào công nhân, là người lãnh đạo và
tổ chức phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đến thắng lợi.
2. Nội dung cơ bản của tác phẩm
Chương 1: Tư sản và vô sản
Là chương cơ bản, trọng tâm, là cơ sở
C.Mác, Ph.Ăng ghen trình bày các chương sau. C.Mác, Ph.Ăng ghen sử dụng tài
tình phép biện chứng duy vật, luận giải các mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất
và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng để xem xét một
xã hội cụ thể là hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa với hai lực lượng chủ yếu
là giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.
1. Lịch sử xã hội loài
người từ khi phân chia thành giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp.
C.Mác và Ph.Ăng ghen đã điểm lại các chế độ
xã hội có phân chia và đối kháng giai cấp, đồng thời chỉ ra mâu thuẫn cơ bản
trong các chế độ xã hội đó là: mâu thuẫn giữa chủ nô với nô lệ trong chế độ
chiếm hữu nô lệ; mâu thuẫn giữa địa chủ với nông dân trong chế độ phong kiến;
mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa và khẳng định
trong chế độ xã hội có đối kháng giai cấp tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp. Kết
quả của đấu tranh giai cấp ấy dẫn tới một chế độ xã hội mới thay thế chế độ cũ.
C.Mác, Ph.Ăng ghen đi sâu phân tích mâu
thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trong lòng xã hội tư bản, khẳng
định chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được mâu thuẫn đó. Bởi, đây là mâu
thuẫn bắt nguồn từ bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản càng
tồn tại và phát triển thì mâu thuẫn ấy càng trở nên sâu sắc. Nội dung cơ bản
của sự vận động của lịch sử xã hội tư bản là cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản
và giai cấp tư sản cũng ngày càng trở nên gay gắt hơn.
2. Sự hình thành, phát
triển và tất yếu diệt vong của giai cấp tư sản
Giai cấp tư sản ra đời từ tầng lớp thị dân,
thành phố thời kỳ trung cổ, là những người trao đổi buôn bán hàng hoá. Để buôn
bán có lời phải đầu tư sản xuất, đó là nguồn gốc của sự ra đời sản xuất hàng
hoá. Giai cấp tư sản ra đời phát triển gắn liền với sự phát triển của kinh tế -
xã hội theo những nấc thang nhất định.
Khi mới ra đời, giai cấp tư sản có vai trò
hết sức to lớn trong lịch sử: đã làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến,
giành địa vị thống trị. Sau khi giành được chính quyền, giai cấp tư sản đã xoá
bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, thiết lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, mở
đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Chưa đầy một thế kỷ, giai cấp tư sản
đã tạo ra bước nhảy vọt lớn về lực lượng sản xuất, về khả năng sản xuất hàng
hoá. Giai cấp tư sản đã thiết lập nền dân chủ tư sản, so với chế độ quân chủ
thì đó là một tiến bộ trong lịch sử.
Tuy nhiên, vốn bản chất là một giai cấp tư
hữu và bóc lột, nên vai trò cách mạng của giai cấp tư sản bị hạn chế ngay từ
khi nó ra đời. Sự tiến bộ lịch sử của những cuộc cách mạng tư sản tạo ra không
phải do công lao của riêng giai cấp tư sản, mà trước hết và chủ yếu là do quần
chúng nhân dân lao động, đặc biệt khi thiết lập được quyền thống trị, giai cấp
tư sản bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động hết sức tinh vi và xảo
quyệt.
Xã hội tư bản chứa
đựng các tệ nạn xã hội, thất nghiệp, mãi dâm, thực dụng không thể khắc phục được.
Nó tạo ra thứ đạo đức chạy theo đồng tiền, có tiền bằng mọi giá, trả tiền ngay
không tình nghĩa. Giai cấp tư sản càng đầu tư sản xuất bao nhiêu thì mâu thuẫn
giai cấp càng sâu sắc bấy nhiêu. C.Mác kết luận, với bản chất giai cấp tư sản
thì giai cấp tư sản không những đã rèn vũ khí để giết mình, nó còn tạo ra những
người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những người vô sản.
3. Sứ mệnh lịch sử của
giai cấp vô sản và sự ra đời của Đảng cộng sản
Bằng phương pháp tư duy biện chứng, C.Mác
và Ph.Ăng ghen đã chứng minh một cách khoa học về sự diệt vong không thể tránh
khỏi của chủ nghĩa tư bản, về tính tất yếu của sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản
sang một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn đó là chủ nghĩa cộng sản. Hai ông
chỉ ra rằng bước quá độ đó diễn ra không phải tự phát mà phải bằng con đường
cách mạng lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và xoá bỏ các quan hệ sản
xuất tư bản chủ nghĩa. C.Mác và Ph.Ăng ghen đã phát hiện ra lực lượng xã hội có
khả năng thực hiện bước quá độ đó là giai cấp công nhân. Giai cấp vô sản hiện
đại là người có sứ mệnh lịch sử đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng một
xã hội tốt đẹp hơn - chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Sứ mệnh lịch
sử của giai cấp vô sản do địa vị kinh tế
- xã hội của giai cấp vô sản quy định.
Theo C.Mác và Ph.Ăng ghen, giai cấp công
nhân là giai cấp tiêu biểu cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất, là giai cấp
được rèn luyện trong nền sản xuất đại công nghiệp, là sản phẩm của chính bản
thân nền đại công nghiệp, cho nên giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến
nhất, có tinh thần triệt để cách mạng nhất, có khả năng hành động cách mạng
kiên quyết nhất, có tính tổ chức và kỷ luật cao nhất, là giai cấp duy nhất đóng
vai trò lãnh đạo cách mạng. C.Mác, Ph.Ăng ghen chỉ rõ : “Trong tất cả các giai
cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản, thì chỉ có giai cấp vô sản là giai
cấp thực sự cách mạng. Các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát
triển của đại công nghiệp giai cấp vô sản thì trái lại là sản phẩm của bản thân
đại công nghiệp (1 )
Sđd.tr.610
Tuy nhiên, để thực
hiện được sứ mệnh lịch sử đó thì điều kiện tiên quyết là giai cấp công nhân
phải tổ chức ra chính đảng độc lập của mình. Vì chỉ khi nào giai cấp vô sản tổ
chức được chính đảng chính trị độc lập của mình, thì khi đó cuộc đấu tranh của
giai cấp công nhân mới chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, có
tổ chức, có lãnh đạo. C.Mác, Ph.Ăng ghen khẳng định : Trong cuộc đấu tranh của
mình, chống quyền lực liên hợp của các giai cấp của nó, giai cấp công nhân chỉ
khi được tổ chức thành một chính đảng độc lập đối lập với tất cả các chính đảng
cũ do các giai cấp của nó lập nên, thì mới có thể hành động với tư cách là một
giai cấp.
Chính vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới
và địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân quyết định tính tất yếu khách quan và
sự cần thiết phải thành lập chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản, đó là
điều kiện tiên quyết bảo đảm cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đi đến
thắng lợi hoàn toàn.
Chương
2: Những người vô sản và những người
cộng sản
1. Mối quan hệ giữa Đảng
cộng sản và giai cấp vô sản; tính tiên phong của Đảng.
Vô sản phải đi tới cộng sản đó là biện chứng của sự phát triển. Đảng
không phải là
cái gì khác mà là hiện thân của giai cấp đã tự giác. Khi giai cấp công nhân phát triển đến tự
giác thì xuất hiện lãnh tụ chính trị. Đảng Cộng sản ra đời là nhân tố cơ bản
bảo đảm cho giai cấp công nhân, phong trào công nhân phát triển cao.
Đảng Cộng sản là một bộ phận không tách rời giai cấp vô sản. C.Mác
và Ph.Ăng ghen cho rằng, Đảng cộng sản phải thể hiện tính vô sản rõ rệt, là
Đảng mang bản chất giai cấp vô sản, Đảng luôn đứng vững trên lập trường của
giai cấp vô sản để xem xét giải quyết mọi vấn đề. Cương lĩnh, đường lối, chiến
lược, sách lược của Đảng phải luôn xuất phát từ lợi ích của giai cấp công nhân
và nhân dân lao động. “Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi
ích của toàn thể giai cấp vô sản” (1) Sđd.tr.614. Mục tiêu lý tưởng của Đảng là của giai
cấp công nhân, đó là xoá bỏ chế độ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu.
Tuy nhiên, C.Mác và Ph.Ăng ghen cũng chỉ rõ
sự khác nhau giữa Đảng Cộng sản với bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ: Đảng là lãnh tụ chính trị, là đội tiên
phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp, là những người ưu tú nhất, giác ngộ
cách mạng nhất của giai cấp. Đảng tiên phong cả về lý luận và thực tiễn: “Về mặt lý luận họ hơn bộ phận còn lại
của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả
chung của phong trào vô sản” (2) Sđd
tr.614-615, “Về
mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các Đảng
công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào công nhân tiến
lên”. Vai trò tiên phong của Đảng bảo đảm cho Đảng tập hợp được giai cấp vô sản
và quần chúng nhân dân lao động. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết
cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
2. Mục đích, nhiệm vụ và
chiến lược, sách lược của Đảng cộng sản
Mục đích cuối cùng của Đảng cộng sản là xây
dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Để thực hiện mục đích ấy
thì Đảng Cộng sản phải tiến hành hai giai đoạn :
Giai đoạn thứ nhất, tổ chức những người vô sản thành giai
cấp, tuyên truyền giác ngộ giai cấp vô sản, tổ chức họ thành lực lượng cách
mạng thực sự. Tiến hành cách mạng vô sản giành chính quyền, thiết lập, sử dụng
chuyên chính vô sản như một công cụ có hiệu lực cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới. Để thực hiện mục tiêu này, phải dùng bạo lực cách mạng, tổ chức lại
lao động xã hội, xoá bỏ quan hệ sản xuất cũ, thiết lập quan hệ sản xuất mới,
đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật…
Giai đoạn thứ hai, C.Mác, Ph.Ăng ghen không nói cụ thể,
nhưng đã chỉ ra những thuộc tính cơ bản của xã hội trong tương lai - đó là xã
hội không còn giai cấp, không còn nhà nước, mối quan hệ giữa người với người là
bình đẳng, có sự kết hợp hài hoà, thống nhất lợi ích cá nhân và lợi ích toàn xã
hội, mọi người được làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, tự nhiên. Trong xã hội
ấy, mọi người có điều kiện phát triển toàn diện. Tính chất của cuộc cách mạng
vô sản là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để về kinh tế, chính trị, tư
tưởng, văn hoá, xã hội…
3. C.Mác và Ph.Ăng ghen phê phán sự vu khống của
giai cấp tư sản đối với những người cộng sản trên một số vấn đề như :
Vấn đề
sở hữu :
C.Mác, Ph.Ăng ghen phê phán giai cấp tư sản
khi họ cho rằng : Những người cộng sản xóa bỏ cái riêng của cá nhân. Hai ông
khẳng định những người cộng sản không xoá bỏ sở hữu nói chung mà chỉ xoá bỏ sở
hữu tư bản, xoá bỏ chế độ tư hữu tư nhân. Bởi dưới chủ nghĩa tư bản người sở
hữu thì không lao động, người lao động thì không được quyền sở hữu, xã hội vận
động trong hai cực đối lập ấy, chỉ có xoá bỏ chế độ tư hữu thì mới giải quyết
được sự đối lập trong xã hội, làm cho xã hội phát triển.
Chế độ gia đình : C.Mác, Ph.Ăng ghen phê phán giai cấp tư sản
vu khống những người cộng sản thực hiện chế độ cộng thê, cộng vợ, cộng chồng,
nên phải xoá bỏ chế độ gia đình. Hai ông đã khẳng định những người cộng sản
không xoá bỏ gia đình nói chung mà chủ trương xoá bỏ gia đình tư sản, thứ quan
hệ gia đình dựa trên tư bản, lợi nhuận cá nhân nhà tư sản, người phụ nữ bị coi
như một công cụ sản xuất, kéo theo nạn mại dâm chính thức và không chính thức.
Giai cấp tư sản đã chà đạp, phá vỡ bao nhiêu gia đình công nhân.
Vấn đề tổ quốc: C.Mác và Ph.Ăng ghen
chỉ rõ : dưới chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản đã nắm quyền đại diện cho tổ
quốc, dân tộc. Lợi ích của tổ quốc và dân tộc cơ bản là lợi ích của giai cấp tư
sản. Do đó, người cộng sản phải xoá Tổ quốc tư sản.
Vấn đề dân tộc:
C.Mác, Ph.Ăng ghen cho rằng: do sự phát triển lực lượng sản xuất, khoa học kỹ
thuật, làm cho các dân tộc giao lưu, hoà quện vào nhau, vấn đề dân tộc thực
chất là vấn đề giai cấp.
Vấn đề
tôn giáo: C.Mác và Ph.Ăng ghen khẳng định: tư tưởng thống trị trong xã hội bao giờ
cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị và chỉ rõ : “Cách mạng cộng sản chủ
nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá
khứ, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của
nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá
khứ” (1) Sđd.tr.626
Chương 3 : Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ
nghĩa
C.Mác và Ph.Ăng ghen xác định thái độ cụ
thể đối với từng trào lưu tư tưởng xã
hội phi vô sản trước đó : phê phán trào lưu chủ nghĩa xã hội phản động của
phong kiến, tiểu tư sản; phân tích sâu sắc chủ nghĩa xã hội bảo thủ tiểu tư sản. Đồng thời, đánh giá thích đáng
chủ nghĩa xã hội không tưởng, cho rằng, mặc dù còn đầy chất ảo tưởng, không
thực hiện được trong thực tế, nhưng chủ nghĩa xã hội không tưởng là một trong
ba nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học.
C.Mác và Ph.Ăng ghen khẳng định : tất cả
các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi vô sản đều là trở ngại cho việc ra đời của chính Đảng cách mạng của
giai cấp công nhân, Hai ông phê phán những trào lưu tư tưởng đó, nhằm bảo đảm
cho việc truyền bá học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công
nhân.
Chương 4 : Thái độ của những người cộng sản đối với
các Đảng đối lập.
Chương này C.Mác và Ph.Ăng ghen
khẳng định lập trường kiên định của Đảng cộng sản về những vấn đề chiến lược và
sách lược của Đảng. Nguyên tắc có ý nghĩa chiến lược của người cộng sản là:
Chiến đấu cho mục đích trước mắt của giai cấp vô sản và đại biểu cho tương lai
của phong trào. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược thể hiện lập trường triệt để cách mạng và sách lược
mền dẻo của Đảng cộng sản.
Xuất phát từ thực tế lịch sử của nước Đức
và một số nước ở châu Âu, những mục đích và lợi ích trước mắt của giai cấp vô
sản lúc bấy giờ là đấu tranh đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế, thực hiện
quyền tự do, dân chủ, còn tương lại của phong trào là phải đấu tranh chống lại
ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản. C.Mác và Ph.Ăng ghen cũng chỉ rõ : ở
tất cả các nước, những người cộng sản ủng hộ mọi phong trào cách mạng và trong
những phong trào ấy, họ vẫn đưa vấn đề sở hữu lên hàng đầu, coi đó là vấn đề cơ
bản của phong trào.
Trong khi liên hợp với các đảng phái để
chống lại thế lực phản động đang thống trị,
Đảng cộng sản xác định rằng: liên minh với các đảng phái khác trong cuộc đấu
tranh chống giai cấp tư sản, nhưng bao giờ đảng cộng sản cũng phải có đấu
tranh, phải giữ vững nguyên tắc, giữ vững lập trường của giai cấp công nhân,
Đảng cộng sản tuyên bố quan điểm cách mạng không ngừng, mục đích của họ chỉ có thể
đạt được bằng cách dùng bạo lực cách mạng lật đổ toàn bộ xã hội hiện có. Trong
cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích
trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành cả thế giới cho mình “Vô sản
tất cả các nước, đoàn kết lại” là khẩu hiệu chiến đấu công khai của phong trào
vô sản.
III. Ý NGHĨA CỦA TÁC PHẨM
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đánh dấu sự ra
đời của chủ nghĩa Mác là cương lĩnh chính trị của phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế. Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ảnh hưởng của Tuyên
ngôn đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo, đáp
ứng kịp thời đòi hỏi của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai
cấp tư sản.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đặt nền tảng
tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Dưới ánh sáng của
Tuyên ngôn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có bước phát triển mạnh mẽ,
nhiều Đảng Cộng sản ra đời đòi lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân
giành thắng lợi. Học thuyết Mác đã soi rọi cho cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga
thành công, tiếp đó hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ra đời.
Những tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản là những chỉ dẫn hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong công tác
xây dựng và hoạt động của Đảng Cộng sản.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đều luôn
khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định mọi thắng lợi của cách
mạng. Đồng thời, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng, bảo
đảm cho Đảng có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm với đòi hỏi của
nhiệm vụ chính trị.
Hiện nay, trước sự phát triển của tình hình
nhiệm vụ cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng, quyết định đến
bản chất của chế độ xã hội– xã hội chủ nghĩa, quyết định đến thành công của sự
nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra
hết sức nặng nề cho quân đội. Để đảm bảo cho quân đội thực sự là lực lượng
chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân
thì Đảng phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi
mặt đối với quân đội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét