Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

CÓ PHẢI CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN ĐÃ LỖI THỜI?

Với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, từ đó đặt chủ nghĩa Mác-Lênin trước sự thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Trong bối cảnh đó, các nhà chính trị và tư tưởng tư sản phản động hí hửng tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và rêu rao về sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản, sự diệt vong của chủ nghĩa cộng sản, về “chiến thắng không cần chiến tranh” (Nichxơn), về “Sự tận cùng của lịch sử” (Phucuyama). Không những kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin mà cả một số người trước đây một thời được coi là người mác xít, thì giờ đây cũng ra sức xuyên tạc, bác bỏ, công kích chủ nghĩa Mác-Lênin, họ cho rằng học thuyết đó đã lỗi thời rồi.

Để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, họ thường viện dẫn những sai lầm, thiếu sót ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhất là ở Liên Xô và những đặc điểm mới của thời đại.
Họ cho rằng “kinh tế tri thức, nền văn minh tin học không dung nạp chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Mác là sản phẩm của nền văn minh cơ khí, nó chỉ thích hợp với thế kỷ XIX chứ không dung hợp với thời đại ngày nay”, “sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một mảng lớn trên thế giới chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin là một sai lầm” v.v.. và v.v..
Sự thật có phải như vậy không? Những đặc điểm mới của thời đại ngày nay ở giai đoạn đầu thế kỷ XXI có ý nghĩa gì trong việc kiểm chứng những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin? Chúng đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin như thế nào cho phù hợp với sự phát triển của lịch sử? Vận mệnh của chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ ra sao trong thế kỷ XXI?
*
*   *
Như lịch sử đã chứng kiến, hơn một trăm năm qua, lực lượng sản xuất của loài người tăng gấp nhiều lần so với tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Nhân loại bắt đầu bước vào thời đại thông tin, kinh tế tri thức; khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như C.Mác dự đoán. Nhưng cái mâu thuẫn mà C.Mác đã nói từ năm 1856 vẫn đang tồn tại : “Những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người”1. Trên thế giới văn minh ngày nay vẫn còn thất nghiệp, đói rét, bất công, hàng tỷ người sống dưới mức nghèo khổ, vẫn còn chế độ người bóc lột người, nước mạnh ức hiếp nước yếu, vẫn còn chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa đơn phương hiếu chiến, đe doạ độc lập chủ quyền của các quốc gia. Đó là thực tế không ai có thể phủ nhận.
Thế kỷ XX là thế kỷ chủ nghĩa tư bản bộc lộ đầy đủ nhất toàn bộ những mâu thuẫn nội tại mà C.Mác đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất của chúng. Chỉ riêng việc chủ nghĩa tư bản vì tranh giành lợi nhuận đã gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu và hàng loạt những cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, phi nghĩa, đủ nói lên rằng, mặc dầu vẫn tồn tại và phát triển, vẫn còn khả năng tự điều chỉnh, nhưng về căn bản chủ nghĩa tư bản đã hết vai trò lịch sử. Nó không thể là bạn đường vĩnh viễn của nhân loại, như nhà học giả tư sản Phucuyama từng mơ tưởng.
C.Mác đã chứng minh chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn phát triển tất yếu của nhân loại, nhưng là tất yếu nhất thời. Chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, việc chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản không dễ dàng. Trái lại, đó là quá trình cực kỳ gay go, phức tạp, là cả một thời đại lịch sử lâu dài.
Thế kỷ XX vừa qua là một thế kỷ sục sôi cách mạng, đỉnh cao là Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Nhưng thế kỷ XX cũng là thế kỷ mà phong trào xã hội chủ nghĩa chịu những tổn thất to lớn nhất, phải đương đầu với những thách thức khắc nghiệt nhất. Chủ nghĩa xã hội có lúc cao trào, có lúc thoái trào mà hiện nay đang trong thoái trào.
Thực tiễn lịch sử với tất cả những bước đi quanh co, phức tạp của nó vẫn khẳng định tính đúng đắn của học thuyết Mác-Lênin.
Các Mác là nhà khoa học thiên tài, đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại; hai phẩm chất ấy thống nhất làm một trong hoạt động của Ông. Khoa học, đối với C.Mác, là vũ khí đấu tranh cải tạo thế giới, bởi nó giải đáp kịp thời và chính xác những vấn đề bức xúc có ý nghĩa thời đại mà tư tưởng tiên tiến nhân loại đã nêu ra. “Sứ mệnh thật sự của Mác – như Ph.Ăngghen nói – là góp phần bằng cách này hay cách khác vào việc lật đổ xã hội tư bản chủ nghĩa, là tham gia vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại mà C.Mác là người đầu tiên làm cho giai cấp ấy có ý thức về những điều kiện để tự giải phóng”1. Một sự nghiệp cách mạng và một sự nghiệp khoa học như thế làm sao có thể không gây ra sự thù địch của những người bảo vệ trật tự tư bản. Trong số họ có những “nhà khoa học” sẵn sàng “bác bỏ cả những định lý hình học nếu chúng đụng đến lợi ích của người ta” như Henvêtiúyt đã nói.
Giá trị của học thuyết Mác không phải ở chỗ mọi câu nói của C.Mác đều là chân lý vĩnh cửu, những người cách mạng cứ thế mà áp dụng không cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. C.Mác từng tuyên bố : “Chúng ta không tỏ ra là những nhà lý luận suông tay cầm một mớ nguyên lý có sẵn : đây là chân lý, hãy phục tùng nó đi”. Ph.Ăngghen đã nhiều lần nhấn mạnh : “Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động”.
Nói về cái tinh tuý nhất trong học thuyết Mác, Hồ Chí Minh tóm gọn trong ba chữ: phép biện chứng – tức linh hồn sống của chủ nghĩa Mác.
V.I.Lênin nói : “Học thuyết Mác là học thuyết vạn năng, vì nó là một học thuyết chính xác. Đó là một học thuyết cân đối và hoàn bị, nó cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một hành vi phản động nào, một hành vi bảo vệ sự áp bức của tư sản…”.
Trong di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của C.Mác, chúng ta có thể nêu bật ba cống hiến khoa học chủ yếu sau đây :
Một là, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới.
C.Mác là người đầu tiên đã áp dụng phép biện chứng duy vật do chính Ông xây dựng vào việc nghiên cứu lịch sử, làm cho chủ nghĩa duy vật trở thành hoàn bị, triệt để. Ph.Ăngghen nói rằng giống như Đácuyn đã phát hiện quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện quy luật phát triển của lịch sử loài người.
V.I.Lênin khẳng định : “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành quả vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Sự hỗn độn và sự tuỳ tiện từ trước đến nay vẫn thống trị trong các quan niệm về lịch sử và chính trị đã được thay thế bằng một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ”1.
Hai là, C.Mác đã tìm ra quy luật riêng biệt của sự vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra.
Lần đầu tiên, với những phát hiện của C.Mác, quan hệ giữa tư bản và lao động đã được giải thích triệt để. C.Mác đã tìm ra bí mật của phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, chỉ ra cơ chế, động lực tồn tại và phát triển của xã hội tư bản là bóc lột giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung của xã hội tư bản chi phối tất cả các xã hội tư bản, tất cả các giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, từ xã hội tư bản mới phát triển cho đến xã hội tư bản phát triển cao. C.Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hoá cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê với giai cấp tư sản. Cũng như đối với xã hội có giai cấp trước đây, trong xã hội tư bản, đấu tranh giai cấp không biến mất, nó chỉ thay đổi hình thức.
Ba là, với hai phát hiện khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hoá.
V.I.Lênin cho rằng, điểm cốt yếu của học thuyết Mác là nó đã soi sáng vai trò lịch sử của thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.
C.Mác cùng với Ph.Ăngghen chỉ ra những điều kiện lịch sử của sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, những nhiệm vụ chủ yếu có tính quy luật mà các chính đảng của giai cấp công nhân cần thực hiện để hoàn thành sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. C.Mác vạch ra một số đặc điểm cơ bản của xã hội tương lai mà xã hội tư bản đang “thai nghén”, phân tích những tính quy luật chung của quá trình ra đời và phát triển của xã hội mới. C.Mác giả định chủ nghĩa xã hội ra đời từ xã hội tư bản phát triển cao là hoàn toàn lôgíc, bởi chỉ có như vậy mới phát hiện được quy luật chung của sự phát triển xã hội từ xã hội tư bản lên xã hội cộng sản và của bản thân xã hội cộng sản. Nhiệm vụ khoa học của C.Mác không phải vạch ra mô hình của chủ nghĩa xã hội với mọi chi tiết của nó. V.I.Lênin viết : “Trong tài liệu của Mác người ta không thấy mảy may một ý định nào nhằm bịa ra những ảo tưởng, nhằm đặt ra  những dự đoán vu vơ về những điều mà người ta không thể nào biết được. Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học đặt, chẳng hạn, vấn đề tiến hoá của một giống sinh vật mới, một khi đã biết được nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những biến đổi của nó”1.
C.Mác, Ph.Ăngghen luôn luôn nhấn mạnh quan điểm xem “chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà là hiện thực phải khuôn theo” mà là “một phong trào hiện thực, nó xoá bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là kết quả của những tiền đề hiện đang tồn tại”2. Cái “trạng thái hiện nay”, theo Ph.Ăngghen, thứ nhất là đối kháng giai cấp giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản; thứ hai là tình trạng vô chính phủ trong sản xuất, kết quả của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hoá cao với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. C.Mác phân tích hết sức khoa học sự phát triển của xã hội mới, dự báo một cách thiên tài hai giai đoạn lớn của xã hội cộng sản. Vừa thoát thai từ xã hội tư bản, xã hội cộng sản không thể bước ngay vào giai đoạn cao, tức giai đoạn xã hội cộng sản “đã phát triển trên những cơ sở của chính nó”. Nó phải trải qua giai đoạn đầu hay giai đoạn thấp, tức một xã hội cộng sản mà “về mọi phương diện nó còn mang những dấu vết của xã hội cũ đã sản sinh ra  nó”. Chúng ta hiểu rằng trong những “dấu vết” của xã hội tư bản có những yếu tố cần sớm loại bỏ trong quá trình xây dựng xã hội mới vì nó hoàn toàn tiêu cực. Song, có những “dấu vết” xã hội tư bản còn có vai trò tích cực không thể xoá bỏ một cách chủ quan duy ý chí, chẳng hạn “dấu vết” của “pháp quyền tư sản” thể hiện trong nguyên tắc phân phối theo lao động. Qua tổng kết thực tiễn, V.I.Lênin đã phát triển rất sâu tư tưởng của C.Mác về mối liên hệ biện chứng – lịch sử giữa xã hội cũ và xã hội mới, không chỉ thể hiện trên lĩnh vực kinh tế mà còn thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như nhà nước, pháp quyền, tư tưởng, giáo dục v.v.. Xã hội cộng sản với tính cách một chỉnh thể thì không có sẵn trong lòng xã hội tư bản, song, những tiền đề, mầm mống, yếu tố, bộ phận, thì đã nảy sinh trong xã hội tư bản. Trong bộ “Tư bản”, C.Mác đã chỉ ra rằng : chế độ công xưởng cho chúng ta thấy “mầm mống của nền giáo dục tương lai, một nền giáo dục sẽ kết hợp lao động sản xuất với học tập và thể dục cho tất cả các trẻ em trên một hạn tuổi nào đó, nó không phải chỉ là một phương pháp để làm tăng thêm sản xuất xã hội, mà còn là phương pháp duy nhất để tạo ra những con người phát triển toàn diện”. Chính mô hình tổ chức và quản lý của các tơ rớt (ngày nay là các công ty đa quốc gia) là những “gợi ý” về mô hình kinh tế của xã hội tương lai. Xuất phát từ thực tiễn những năm 20 (thế kỷ XX), vận dụng tư tưởng biện chứng của C.Mác về mối liên hệ giữa xã hội tư bản và xã hội xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin nêu lên một công thức về kế thừa xã hội tư bản như sau : “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài : chính quyền xô viết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật, cách tổ chức các tờ rớt Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, v.v.. = tổng số, tổng kết lại = chủ nghĩa xã hội”.
Về học thuyết xã hội chủ nghĩa của C.Mác, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm, đó là quan hệ biện chứng giữa giải phóng con người và giải phóng giai cấp.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, mục đích của chủ nghĩa xã hội không chỉ là giải phóng cho một "giai cấp đặc thù, mà là giải phóng toàn xã hội, giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và mọi sự tha hoá. Chủ nghĩa tư bản phát triển cao, chuẩn bị những tiền đề cho sự giải phóng đó. Bản chất của xã hội cộng sản là một kiểu liên hiệp mà nguyên tắc của nó là "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Học thuyết Mác chứng minh rằng, sự giải phóng nhân loại thống nhất với sự giải phóng giai cấp công nhân, coi giai cấp công nhân "là trái tim" của sự giải phóng. Chính vì vậy, toàn bộ sự nghiệp khoa học và sự nghiệp cách mạng của C.Mác đều dành cho việc giáo dục, tổ chức giai cấp công nhân, làm cho giai cấp ấy có ý thức về những điều kiện, phương tiện giải phóng mình, đồng thời, giải phóng toàn nhân loại khỏi chủ nghĩa tư bản. C.Mác coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Không học thuyết nào quan tâm đến vận mệnh con người hơn học thuyết Mác. Một số người phê phán C.Mác rằng, chủ nghĩa của Ông là quyết định luận kinh tế, ít quan tâm đến vai trò con người, là "chủ nghĩa lý luận không có con người", rằng, đối với chủ nghĩa Mác, con người chỉ là "con người giai cấp" v.v.. Đó là những ý kiến, hoặc không hiểu gì về nhân tố con người trong chủ nghĩa Mác, hoặc cố tình xuyên tạc C.Mác.
Dĩ nhiên, C.Mác rất coi trọng bài học của lịch sử thế giới về đấu tranh giai cấp. Bài học ấy dạy rằng, các giai cấp thống trị lỗi thời không bao giờ tự nguyện rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Chủ nghĩa xã hội khoa học khác chủ nghĩa xã hội không tưởng ở chỗ chủ nghĩa xã hội khoa học "đem nguyện vọng muốn cải tạo xã hội gắn với cuộc đấu tranh của một giai cấp nhất định", tức gắn với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. V.I.Lênin nhấn mạnh: "Tách khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, thì chủ nghĩa xã hội chỉ là một câu nói suông hay một ước mơ ngây thơ mà thôi”. Song, đối với chủ nghĩa xã hội khoa học, đấu tranh giai cấp là phương tiện chứ không phải mục đích. Chuyên chính vô sản, tức việc giai cấp công nhân giành được quyền thống trị, không phải mục đích mà chỉ là phương tiện để xoá bỏ giai cấp. C.Mác đã từng nói: "Theo nguyên tắc của nó thì chủ nghĩa cộng sản vượt lên trên sự thù địch giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản". Chủ nghĩa Mác không tuyệt đối hoá, không cường điệu đấu tranh giai cấp, càng không tuyệt đối hoá một hình thức nào của đấu tranh giai cấp. V.I.Lênin nói: "Chủ nghĩa Mác không gắn chặt phong trào vào một hình thức đấu tranh duy nhất nhất định nào cả", nghĩa là không tuyệt đối hoá hình thức bạo lực, tuyệt nhiên không sùng bái bạo lực như kẻ thù thường vu khống. V.I.Lênin nhiều lần khẳng định quan niệm cho rằng, chuyên chính vô sản không chỉ là bạo lực, không phải chủ yếu là bạo lực mà là tổ chức xây dựng. Không chỉ dùng bạo lực trấn áp phản cách mạng mà xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, giáo dục tư tưởng, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng là những hình thức khác nhau của đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trên đây là khái quát những cống hiến khoa học đồng thời là những tư tưởng vĩ đại của C.Mác trong lịch sử tư tưởng của loài người
Những tư tưởng lớn của C.Mác soi sáng con đường đi của nhân loại trong một thế kỷ rưỡi vừa qua, đã soi sáng con đường giải phóng, con đường cách mạng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới ngày nay, nhân loại và dân tộc ta đứng trước câu hỏi lớn : Tương lai của chủ nghĩa Mác sẽ như thế nào trong thế kỷ XXI ?
Những chân lý của chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên giá trị hay đã hết vai trò trước những thay đổi sâu sắc và cực kỳ phức tạp đã và đang diễn ra trong lịch sử nhân loại. Đặc biệt là nhân sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, người ta đang cố lật ngược vấn đề đó.
Đúng là chủ nghĩa Mác-Lênin đang đứng trước thử thách to lớn. Những người chuyên bài bác chủ nghĩa Mác-Lênin lớn tiếng cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã phá sản, thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực chính là thất bại của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những người có "thiện ý" hơn, tỏ ra "khách quan" hơn thì nói rằng : chủ nghĩa Mác ra đời từ thế kỷ XIX, vào lúc chủ nghĩa tư bản còn đang là chủ nghĩa tư bản "cổ điển", còn nhiều tính chất hoang dã, thiếu tính nhân bản, là sản phẩm của nền văn minh cơ khí. Họ cho rằng, với việc phê phán chủ nghĩa tư bản cổ điển ấy, chủ nghĩa Mác đã đóng góp khá nhiều cho lịch sử, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi, nó không còn phù hợp với thời đại ngày nay, v.v.. Một số phần tử chống chủ nghĩa xã hội ở nước ta tung ra luận điểm nói rằng, việc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai hoạ, vì chủ nghĩa Mác-Lênin là tư tưởng ngoại lai xa lạ với truyền thống của dân tộc Việt Nam v.v..và v.v..(!)
Phải chăng là như vậy ? Những đặc điểm mới của thời đại ngày nay, những biến cố phức tạp của lịch sử từ thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, có phải đã bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin ? Hay ngược lại, chúng đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn hơn và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin cho phù hợp với điều kiện của thế kỷ XXI ?
Chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách lý luận và phương pháp nhận thức thế giới và cải tạo thế giới bằng cách mạng vẫn giữ nguyên giá trị, dù cho một số luận điểm cụ thể riêng biệt của lý luận Mác-Lênin có thể không được thực tiễn xác nhận hoặc cần phải điều chỉnh.
Có thể đề cập đến giá trị bền vững của ba nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin :
Trước hết, học thuyết hình thái kinh tế- xã hội
Một số người ra sức phê phán lý luận "hình thái" của C.Mác. Họ nói lịch sử đang vận động không theo sơ đồ của C.Mác mà theo mô hình "Ba làn sóng" của Anvin Tốpphlơ. Cách tiếp cận theo nền văn minh theo họ, bao quát hơn, chính xác hơn cách tiếp cận "hình thái" của Mác, đó là cách tiếp cận giản đơn, máy móc, bỏ qua vai trò của trí tuệ con người, không phù hợp với nền văn minh trí tuệ.
Chúng tôi cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác không những đúng đối với các thời đại đã qua mà cũng đúng đối với thời đại ngày nay. Học thuyết Mác cung cấp cho chúng ta công cụ sắc bén nhất để nhận thức quá trình vận động, phát triển xã hội hết sức phức tạp. Lý thuyết "Ba làn sóng" có những yếu tố hợp lý nhất định như nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ, vai trò quan trọng của cơ chế thị trường, đưa ra một số nhận xét, dự đoán, khuyến nghị có giá trị thực tế đối với việc quản lý xã hội mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu. Song, quan niệm cơ bản của lý thuyết "Ba làn sóng" về vận động lịch sử, thì không có sức thuyết phục và hoàn toàn sai lầm. Đó là phủ nhận việc lịch sử loài người đã trải qua các chế độ xã hội nô lệ, phong kiến, tư bản, chúng khác nhau không chỉ về công cụ lao động mà về toàn bộ cơ cấu xã hội; phủ nhận vai trò của quan hệ sở hữu, phủ nhận sự phân chia giai cấp, đấu tranh giai cấp trong xã hội hiện đại, phủ nhận bản chất tư bản chủ nghĩa của xã hội Mỹ, lảng tránh những vấn đề xã hội cơ bản và bức xúc như thất nghiệp, nghèo đói, bất công, khủng hoảng,…, những ung nhọt mà chính Brêdinxky, nhà chính khách chống cộng khét tiếng cũng phải thừa nhận; lý thuyết "Ba làn sóng" đã khẳng định một cách vô căn cứ tính chất vĩnh cửu của xã hội tư bản, v.v.. Tóm lại, lý thuyết "Ba làn sóng" đơn thuần là lý thuyết xã hội của chủ nghĩa tự do mới.
Lịch sử dù bước đi quanh co, phức tạp vẫn là sự phát triển thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội và xã hội tư bản do hết tính tất yếu lịch sử cũng sẽ không tránh khỏi bị thay thế bởi hình thái kinh tế – xã hội cao hơn, đó là xã hội cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, học thuyết giá trị thặng dư
Thế giới đang bước vào kinh tế tri thức, song, học thuyết giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên giá trị. Học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng” trong học thuyết kinh tế của C.Mác. Vì thế, nhiều lý luận gia tư sản tìm mọi lý lẽ để bác bỏ học thuyết này.
Có lý lẽ bác bỏ đã quá cũ khi cho rằng, tư bản không bóc lột công nhân, nó chỉ bóc lột máy; máy móc chứ không phải lao động sống làm ra giá trị và giá trị thặng dư. Có những lý lẽ mới lại cho rằng, quy luật giá trị thặng dư có thể tác động trong thời kỳ kinh tế công nghiệp. Nhưng quy luật ấy không có tác dụng trong thời đại kinh tế tri thức. Quy luật giá trị thặng dư phải giả định có nhà tư bản chiếm hữu tư liệu sản xuất để bóc lột lao động làm thuê. Mỗi sản phẩm của lao động phải là những hàng hoá vật chất cụ thể. Trước đây, người lao động bán sức lao động, nhưng ngày nay, họ không thể bán tri thức, trí tuệ được,… Ngày nay, làm ra giá trị không phải chủ yếu do lao động trực tiếp, bóc lột, không phải do chiếm hữu tư liệu sản xuất. “Bởi vì hình thức hiện nay, hình thức quan trọng hơn hết của tài sản lại là những thứ không thể trực cảm được. Nó là siêu tượng trưng, siêu ký hiệu, nó là tri thức. Cùng một tri thức có thể được nhiều người sử dụng cùng một lúc để tạo ra của cải và còn để sản xuất ra nhiều tri thức hơn nữa. Và không giống nhà máy hay cánh đồng, tri thức xét về mọi phương diện là không bao giờ bị khai thác đến cạn kiệt”1.
Những khái niệm và luận điểm tân kỳ đề cập những sự kiện, quan hệ kinh tế xã hội mới nhất bao giờ cũng hấp dẫn người ta. Nhưng chúng không bác bỏ được thực tế là : không phải lao động quá khứ như máy móc, thiết bị kỹ thuật làm ra giá trị mới, mà lao động sống mới làm ra giá trị mới, lao động sống mới tạo ra giá trị thặng dư. Trong kinh tế công nghiệp trước đây đã như vậy, trong kinh tế tri thức hiện đại cũng vậy. Chỉ có điều khác biệt ở chỗ, hàm lượng chất xám (sự đầu tư trí tuệ của công nhân, trí thức, kỹ sư lập trình, nhà khoa học phát minh, nhà quản lý) chiếm 70, 80, thậm chí 90% giá trị của sản phẩm. Bất cứ lao động nào, lao động giản đơn hay lao động trí tuệ mà không được trả công tương xứng với giá trị mà lao động đó làm ra (sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết kể cả chi phí đề phòng các rủi ro) trong chủ nghĩa tư bản đều bị bóc lột giá trị thặng dư. Mặc dù lao động quản lý của nhà tư bản cũng phải được trả công, nhưng thu nhập chủ yếu của nhà tư bản không phải lương quản lý mà người đó đáng được hưởng. Thu nhập chủ yếu của nhà tư bản trong điều kiện kinh tế tri thức cũng không phải công quản lý mà là từ phần lao động thặng dư của người lao động làm thuê, chủ yếu là lao động trí tuệ, mà anh ta chiếm lấy.
Những người bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư hoàn toàn không thể giải thích được tại sao lao động của một ông Bin Ghết chủ hãng Mai-crô-xốp có thể tạo ra tài sản cá nhân lên đến hàng vài chục tỉ đô la Mỹ, không thể giải thích được vì sao phân hoá giàu nghèo trong thế giới hiện đang toàn cầu hoá mạnh mẽ lại ngày càng gia tăng, hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội tư bản ngày càng sâu rộng : 20% số dân giàu nhất hành tinh chiếm tới 82,7% thu nhập của thế giới, 20% số dân nghèo nhất chỉ được hưởng 1,4% ? Sự cách biệt giữa hai bộ phận dân cư này đã tăng từ 30 lần vào năm 1960 lên 60 lần vào năm 1990 và nó tiếp tục tăng lên.
Quy luật giá trị thặng dư phát huy tác dụng mạnh mẽ trong điều kiện toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Song, cơ chế tác động của quy luật này phức tạp hơn, hình thức bóc lột giá trị thặng dư tinh vi hơn nhiều so với trước đây.
Thứ ba, lý luận về chủ nghĩa xã hội
Những quan điểm cơ bản của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị, song, lý luận Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cần được bổ sung, phát triển trước yêu cầu của thực tiễn.
Sau sự kiện các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin lớn tiếng nói rằng, lý luận Mác-Lênin về “chủ nghĩa xã hội khoa học” đã sụp đổ hoàn toàn. Chúng hân hoan nói về sự vĩnh cửu của xã hội tư bản. Chúng ta trả lời rằng những ai coi chủ nghĩa tư bản là xã hội tận cùng của nhân loại như Phu cu y a ma chỉ là ảo tưởng. Chúng ta khẳng định : “Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”1. Chúng ta khẳng định phương pháp luận và những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác –Lênin về chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị:
Đó là phương pháp luận khoa học nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội: tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản thông qua cách mạng vô sản và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội được xem là một cơ thể sống, nó tất yếu phải thường xuyên biến đổi, đổi mới và phát triển; chủ nghĩa xã hội là kết quả phát triển hợp lôgíc từ những tinh hoa của mọi thời đại lịch sử,…
Đó là quan niệm khoa học gắn liền với chủ nghĩa nhân văn cao cả về bản chất, mục tiêu, động lực phát triển của chủ nghĩa xã hội : bản chất và mục tiêu sâu xa nhất của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản chính là giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột và sự tha hoá, phát triển tự do và toàn diện con người, không ngừng hoàn thiện con người.
Đó là quan niệm về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đó là quan niệm về “phát triển rút ngắn” và “quá độ gián tiếp” lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa như là nội dung lý luận – thực tiễn về khả năng và triển vọng của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.
Đó là dự báo của V.I.Lênin về khả năng sớm muộn tất cả các dân tộc đều đi tới chủ nghĩa xã hội, chỉ có điều mỗi dân tộc sẽ đem vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của mình những đặc điểm lịch sử, truyền thống và sắc thái riêng, phù hợp với những đặc điểm và hoàn cảnh của mình.
Ngoài các quan điểm trên đây, nhiều luận điểm quan trọng khác trong chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn giữ nguyên giá trị.
Một điều chúng ta cần lưu ý là C.Mác chỉ có thể vạch ra những nguyên tắc chung nhất, phổ biến nhất, cơ bản nhất về chủ nghĩa xã hội. Thời C.Mác sống chưa có thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì thế, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không tránh khỏi còn ít nhiều trừu tượng, có một số nhận định, phán đoán không được thực tiễn xác nhận.
Chúng ta có thể nêu một số hạn chế lịch sử sau đây:
- C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chưa thấy hết được khả năng tồn tại và phát triển tương đối lâu dài của chủ nghĩa tư bản, dự đoán quá sớm về tiến trình lịch sử của chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới.
- C.Mác, Ph.Ăngghen chưa nghiên cứu đầy đủ vấn đề dân tộc so với vấn đề giai cấp.
- C.Mác, Ph.Ăngghen dự báo quá sớm về sự thủ tiêu sản xuất hàng hoá, kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội.
Những hạn chế trên đây là không thể tránh khỏi do điều kiện lịch sử. Chúng ta không thể đòi hỏi C.Mác suy nghĩ thay cho các thế hệ sau về những vấn đề xuất hiện trong thời đại của Ông. Song, những hạn chế đó tuyệt nhiên không làm giảm giá trị thế giới quan, phương pháp luận, giá trị định hướng của lý luận Mác-Lênin đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta.
Phân tích giá trị của từng nguyên lý cơ bản, từng học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin là cần thiết để hiểu sâu, hiểu cụ thể lý luận của các ông. Song, chúng ta không thể quên rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết hoàn chỉnh, các bộ phận có mối liên hệ hữu cơ tạo thành một khối thống nhất không thể tách rời, "một khối thép" như V.I.Lênin nói. Chúng ta cần phân biệt những tư tưởng cơ bản của toàn bộ học thuyết có giá trị phổ biến và lâu dài với những phán đoán riêng lẻ thường có ý nghĩa trực tiếp trong một bối cảnh cụ thể.
Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin được thể hiện ở chỗ nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại, đó là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, khỏi mọi sự tha hoá. Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, khi nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử đó mà không học thuyết nào có thể thay thế được. Đời sống xã hội đương đại mặc dù rất phức tạp, trải qua biết bao biến cố thăng trầm, quanh co khúc khuỷu, vẫn không đi ra ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết.
Từ khi Đảng ta ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng; những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã khẳng định tính đúng đắn, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là sự khẳng định một lần nữa tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta vào thực tiễn đất nước.
Đối với dân tộc ta, thế kỷ XX là thế kỷ của những biến đổi to lớn, thế kỷ đấu tranh oanh liệt giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công có ý nghĩa thời đại. Với những thắng lợi lịch sử giành được, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài của một dân tộc bất khuất, thông minh, sáng tạo. Đó cũng là thắng lợi của lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước đang được tiếp tục tiến hành trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới với nhiều thời cơ và thách thức trong những năm đầu của thế kỷ XXI, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phải bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phải kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái nhằm xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại hội lần thứ IX của Đảng ta, trên cơ sở tổng kết 15 năm đổi mới (1986-2000), đã rút ra những bài học quan trọng, trong đó, có bài học là "trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Đại hội cũng đã đề ra nhiệm vụ : "Toàn Đảng nghiêm túc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,… Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; từng bước cụ thể hoá, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng; đấu tranh với những khuynh hướng tư tưởng sai trái"1.
Sau đó, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Và Bộ Chính trị đã có chủ trương về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới ở Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá IX mới đây đã khẳng định : “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới và phát triển đất nước, từng bước làm rõ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện mới"1. Chúng ta tin tưởng rằng, qua đợt tổng kết này, sẽ phát hiện những nhân tố mới và những vấn đề mới về lý luận trong quá trình đổi mới; làm sáng tỏ hơn về lý luận và thực tiễn một số vấn đề chủ yếu về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; lý giải, kết luận một số vấn đề lý luận còn có ý kiến khác nhau hoặc mới nảy sinh; cung cấp một số luận cứ khoa học cho việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội X của Đảng.





1 C.Mác-Ph.Ăngghen Tuyển tập, tập 2, NXBST, H,1981, tr.575
1 Sách đã dẫn, tập 1, tr. 663.
1 V.I.Lênin Toàn tập, tập 23, NXB Tiến bộ, M., tr. 23
1 V.I.Lênin  Toàn tập, t. 33, tr. 104.
2 Mác và Ăngghen Toàn tập, tập 3, NXBCTQG, H., 1995, tr.51.
1 An vin Tốp phlơ và Hây đi Tốp phlơ : Tạo dựng một nền văn minh mới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr140.
1 Văn kiện Đại hội IX của Đảng, NXBCTQG, H;2001, tr.65.
1  Sách đã dẫn, tr.139, 141.
1  Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, NXBCTQG, H., 2004, tr. 213.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét