Chúng ta phải hiểu rằng: Trong Thư gửi Vây-đơ-mai-ơ, ngày
5-3-1852, Mác viết: “...tôi không có công lao là đã phát hiện ra sự tồn tại của
các giai cấp trong xã hội hiện đại, cũng không phải có công lao là đã phát hiện
ra cuộc đấu tranh giữa các giai cấp với nhau. Các nhà sử học tư sản trước tôi
rất lâu đã trình bày sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó, còn
các nhà kinh tế học tư sản thì đã trình bày sự giải phẫu kinh tế của các giai
cấp. Cái mới mà tôi đã làm là chứng minh rằng: (1) sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn
với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất, (2) đấu tranh
giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản, (3) bản thân nền chuyên chính này chỉ
là bước quá độ tiến tới thủ
tiêu mọi giai cấp và tiến tới xã hội không có giai cấp”(1).
Như vậy C.
Mác không coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội nói chung
như một số người quan niệm, mà chỉ là một động lực phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp mà thôi.
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có
giai cấp nên chưa có đấu tranh giai cấp, và sau này trong tương lai khi xã hội
không còn giai cấp nữa thì cũng sẽ không còn đấu tranh giai cấp. Nghĩa là, như
C. Mác đã khẳng định, đấu tranh giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử
nhất định của sự phát triển xã hội.
Quan điểm
khoa học về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác không phải là áp
đặt, vô căn cứ mà phản ánh một thực tế khách quan trong xã hội có phân chia
giai cấp, đó là sự đối kháng giữa các giai cấp: bóc lột và bị bóc lột, thống
trị và bị trị, áp bức và bị áp bức.
Do đó, đấu
tranh giai cấp trong các xã hội này là tất yếu khách quan, góp phần thúc đẩy xã
hội vận động, phát triển lên những hình thái cao hơn.
Tuy
nhiên, chủ nghĩa Mác không bao giờ coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất trong xã hội có giai cấp. Ngoài động
lực này, như C. Mác đã từng chỉ ra, còn một loạt những động lực khác, như sự
phát triển của lực lượng sản xuất, nhu cầu, lợi ích, lý tưởng, khoa học - kỹ
thuật,... Vì vậy không nên cường điệu động lực đấu tranh giai cấp.
Đồng
thời, việc nhận thức và giải quyết vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp phải
phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện lịch sử - cụ thể của mỗi quốc gia
dân tộc và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng.
Trước đây khi phân tích so sánh về đấu
tranh giai cấp ở các nước phương Tây và phương Đông, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho
rằng, ở phương Tây đấu tranh giai cấp rất quyết liệt, còn ở phương Đông, những
nước như “Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội
phương Tây thời Trung cổ cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó
không quyết liệt như ở đây”(2). Đối với Việt Nam cũng vậy, vì Việt Nam vốn là
một xã hội phương Đông cổ truyền, nông nghiệp lạc hậu, hơn 90% dân số là nông
dân, phân hóa giai cấp chưa sâu sắc. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, yêu
cầu đoàn kết dân tộc nổi lên hàng đầu để tập hợp các lực lượng, các giai cấp,
các tầng lớp trong xã hội vào thực hiện nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc.
Vì vậy, Hồ Chí Minh đã phê phán quan điểm giáo điều của một số người về đấu
tranh giai cấp ở Việt Nam :
“Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu
tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(3).
Ở đây không
được phép lẫn lộn quan điểm khoa học về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin với quan điểm hữu khuynh phủ nhận đấu tranh giai cấp hoặc quan điểm tả
khuynh cường điệu đấu tranh giai cấp, thiên về trấn áp bạo lực, hoặc mượn danh
đấu tranh giai cấp để đấu tố, trấn áp những người “không ăn cánh”, không theo
đường lối của mình, có tính chất bè phái như đã từng xảy ra ở một số nước xã
hội chủ nghĩa trước đây.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những nhận thức mới về
chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp. Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng
3-1989) lần đầu tiên đã sử dụng khái niệm “hệ thống chính trị” thay cho khái
niệm “hệ thống chuyên chính vô sản”. Từ đó về sau, trong Cương lĩnh năm 1991 và
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các văn kiện từ Đại hội VII
đến Đại hội XI ít sử dụng thuật ngữ chuyên chính vô sản. Đây là một bước tiến
của nhận thức, phù hợp hơn với điều kiện tình hình mới.
Về đấu
tranh giai cấp, Đại hội IX của Đảng nhận định, cùng với những biến đổi to lớn
về kinh tế, xã hội thì cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội
ta đã thay đổi nhiều. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là
quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung
chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc
phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển, thực hiện công bằng xã hội; đấu
tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực; đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ
độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh,
nhân dân hạnh phúc.
Đại hội
IX cũng xác định động lực chủ
yếu để phát triển đất nước là
đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và
trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã
hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực từ các thành phần kinh tế của toàn xã
hội.
Như vậy,
Đảng ta không phủ nhận đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, song quan niệm
về đấu tranh giai cấp cũng như động lực phát triển đất nước phù hợp hơn với sự
thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, với nhiệm vụ của cách mạng
trong thời kỳ đổi mới.
--------------------------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1996, t. 28, tr. 661 - 662
(2) Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 509
(3) Hồ Chí Minh: Sđd,
t. 5, tr. 312.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét