Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

TÌM HIỂU VỀ VIỆC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY

           
Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đại hội Đảng lần thứ XI yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 03-CT/TW đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.., với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.
        Nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh: tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
          Nội dung chủ yếu của đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc,  nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" (1). Đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đối với Đảng "là đạo đức, là văn minh", "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân" (2). Với đất nước, dân tộc phải "Trung với nước, hiếu với dân"; với mọi người phải "Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình"; với mình phải thực sự "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có "tinh thần quốc tế trong sáng". Nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, theo Hồ Chí Minh là nói đi đôi, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
      Nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh, có phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; độc lập, tự chủ, sáng tạo; hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình. Phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, làm việc đúng giờ; đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Phong cách lãnh đạo là tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đúng đường lối quần chúng,“lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”, phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt; phong cách nêu gương. Về phong cách diễn đạt là cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực, diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao, sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể, diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Về phong cách ứng xử là khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, chân tình, nồng hậu, tự nhiên, linh hoạt, chủ động, biến hóa, vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Về phong cách sinh hoạt là phong cách sống cần kiệm, liêm chính, sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông – Tây, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
           (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.252 - 253
          (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 510. A


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét