Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

CHÍNH TRỊ VIÊN VỚI CÔNG TÁC ĐỊCH VẬN THEO THƯ GỬI HỘI NGHỊ CHÍNH TRỊ VIÊN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - Ý NGHĨA ĐỐI VỚI NGƯỜI CHÍNH TRỊ VIÊN

CHÍNH TRỊ VIÊN VỚI CÔNG TÁC ĐỊCH VẬN THEO THƯ GỬI HỘI NGHỊ CHÍNH TRỊ VIÊN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - Ý NGHĨA ĐỐI VỚI NGƯỜI CHÍNH TRỊ VIÊN
                                                             
         
Cách đây vừa tròn 65 năm Hội nghị chính trị viên lần thứ 2 diễn ra ngày 6 đến 11-3-1948 theo Chỉ thị của Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương. Hội nghị đã tiến hành nhiều nội dung, trong đó đã ra Nghị quyết về hệ thống tổ chức công tác chính trị, nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp uỷ Đảng trong quân đội, chế độ chính trị viên và việc tǎng cường công tác đào tạo cán bộ, bồi dưỡng chính trị viên và bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quân sự. Tại hội nghị này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị và yêu cầu chính trị viên thực hiện tốt ba nhiệm vụ, một trong ba nhiệm vụ đó là “Đối với quân địch, gồm cả binh lính Pháp cùng những người ngoại quốc và người Việt Nam trong quân đội Pháp, chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta”.
         Thực tiễn bối cảnh lịch sử cuối năm 1947 đầu năm 1948, thực dân Pháp đã xây dựng được đội quân gồm hơn 65 nghìn lính Âu, 25 nghìn nguỵ binh và đang tập trung triển khai kế hoạch tiến công mùa Đông, trọng điểm là tiến công lên khu Việt Bắc hòng thực hiện “cất vó” cơ quan đầu não - Bộ chỉ huy kháng chiến và tiêu diệt quân chủ lực của ta. Cùng với các hoạt động tác chiến khác công tác vận động nguỵ binh trở thành một công tác hết sức quan trọng “phải nhằm đúng lúc, đúng chỗ mà đánh, dồn dập vào tinh thần quân địch thì mới mong phá được sức chiến đấu của chúng”[1] và nhiệm vụ cần kíp của chính trị viên lúc này là phải tuyên truyền lôi kéo nguỵ binh sang hàng ngũ của chúng ta, làm tan rã hàng ngũ địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Chúng ta phải ra sức dân vận, nguỵ vận, địch vận. Đó là những điều đưa chúng ta đến thắng lợi vẻ vang”[2]. Theo Người, chính trị viên muốn thực hiện tốt nhiệm vụ địch vận thì phải khôn khéo trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ sĩ quan, binh sĩ quân đội địch ủng hộ chính nghĩa đứng về phía cách mạng chống lại chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa làm cho quân địch ta dã về chính trị, tư tưởng, tinh thần và tổ chức. Đây được coi là một mũi tiến công chính trị sắc bén, lợi hại vào hàng ngũ quân địch, góp phần cùng với hoạt động tác chiến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu với hiệu suất cao nhất, giảm bớt sự hy sinh, tổn thất cho quân đội và nhân dân ta. Đây còn thể hiện tính nhân đạo, nhân văn quân sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, đòi hỏi người chính trị viên lúc này là phải nắm chắc đối tượng địch vận “binh lính Pháp cùng những người ngoại quốc và người Việt Nam trong quân đội Pháp” và biết cách tuyên truyền vận động thiết thực, làm cho binh lính địch nhận ra phải trái, chính nghĩa và phi nghĩa, thấy được sai lầm, tội lỗi khi cầm súng đi xâm lược, gây tội ác với nhân dân ta, thấy rõ chính nghĩa và tất thắng của ta, vạch trần tính chất phi nghĩa và thất bại tất yếu của kẻ đi xâm lược, vừa làm cho họ thấy tình thế khốn quẫn và chính sách khoan hồng của cách mạng đối với binh lính địch hạ vũ khí đầu hàng, quan điểm kiên quyết đối với những tên ngoan cố chống lại, đồng thời đánh mạnh vào tâm lý của chúng khi chiến đấu ở nơi đất khách quê người, xa người thân, gia đình giữa sự sống và cái chết vô nghĩa “Đa số nguỵ binh đều vì giặc áp bức lừa gạt mà theo giặc, chúng ta chịu khó và khôn khéo gợi lòng ái quốc của họ thì nhất địch họ sẽ quay về với kháng chiến”[3]. Tuỳ từng đối tượng, nhiệm vụ cụ thể mà chính trị viên tiến hành công tác địch vận cho phù hợp, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, lời lẽ vắn tắt, cảm động, thống thiết “trương thiện đai đoan”, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
           Thực tiễn cho thấy, trong năm 1948 nhờ làm tốt công tác địch vận mà đã làm cho 564 lính Âu; 3566 lính nguỵ ra hàng; 202 tên bỏ trốn. Từ năm 1951 - 1954 công tác địch vận đã làm tan dã 5 vạn quân địch và nguỵ quân. Biên niên sự kiện và tư liệu lịch sử CTĐ, CTCT khẳng định, trong kháng chiến chống Pháp “thành tích công tác địch vận đã tỏ rõ là một lợi khí phá hoại hàng ngũ địch”.
          Hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về địch vận vẫn còn nguyên giá trị hiện thực đối với mỗi cán bộ chính trị nói chung và chính trị viên nói riêng. Đòi hỏi mỗi chính trị viên cần tiếp tục nghiên cứu, học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh về địch vận trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên, ra sức rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực và vận dụng linh hoạt sáng tạo vào công tác tuyên truyền đặc biệt trong thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Do đó, chính trị viên phải thực hiện tốt một số yêu cầu, nội dung biện pháp sau:
           Một là, chính trị viên phải luôn luôn quán triệt, nắm chắc đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội vững mạnh để làm tốt công tác địch vận.
Đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội vững mạnh là những định hướng chính trị, bảo đảm cho công tác địch vận có mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, phương pháp và tổ chức lực lượng. Chỉ có trên cơ sở quán triệt, nắm vững những đường lối, nhiệm vụ đó, chính trị viên mới tổ chức các hoạt động tiến hành công tác địch vận đúng hướng, đạt hiệu quả cao, có đủ cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn sâu sắc để tuyên truyền, giải thích cho đối tượng địch vận hiểu, tin, từ đó bỏ "tà" mà theo "chính", thu phục được nhân tâm, tập hợp được sức mạnh tổng hợp cho cách mạng. Nghị quyết Hội nghị chính trị các lực lượng vũ trang miền Nam chỉ rõ “tiến hành công tác vận động binh sĩ địch … khi giáp trận thực hiện “tay cầm súng, túi có truyền đơn, tư tưởng nắm vững chính sách chiến trường”.
Hiện nay, các thế lực thù địch bằng chiến lược "DBHB" với chiêu bài dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, lợi dụng các vấn đề biên giới, biển đảo.....để chống phá cách mạng nước ta, thì nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt của người chính trị viên càng trở lên quan trọng. Đòi hỏi, mỗi người chính trị viên, nhất là chính trị viên ở các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo càng phải quán triệt, nắm chắc các quan điểm, đường lối của Đảng để có đủ trình độ lý luận tuyên truyền, giải thích cho nhân dân thế giới nói chung và những đối tượng chống đối hoặc đối tượng bị địch lợi dụng, nhân dân chung đường biên giới nói riêng thấy rõ quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, góp phần làm thất bại âm mưu "DBHB" của các thế lực thù địch.
Hai là, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm quý báu của dân tộc, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành có hiệu quả công tác địch vận trong tình hình mới.
Tư tưởng "tâm công", tức đánh vào lòng người "mưu phạt nhĩ tâm công, bất chiến tự khuất" là nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, nó được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ thời Hai Bà Trưng đã "Chiêu an sĩ tốt, dỗ dành quan dân.." đến bản văn "Lộ Bố" hay "Nam Quốc Sơn Hà" mà người đời sau gọi là "Thoái Lỗ Thi" của Lý Thường Kiệt, từ Nguyễn Trãi kiên trì viết 18 thư dụ hàng Vương Thông đưa cuộc kháng chiến chống Minh đến thắng lợi với hiệu quả cao, giảm bớt hy sinh tổn thất cho nhân dân và quân đội, đến Nguyễn Huệ viết thư gửi Tôn Sỹ Nghị Tổng binh địch xâm lược nước ta xin hoà hoãn với lời lẽ trong thư rất mềm mại khiêm tốn đã tạo cho địch tính ngạo mạn, chủ quan coi khinh quân ta, từ đó mà lơi lỏng việc binh khí....Có thể nói rằng, công tác địch vận đã khéo kết hợp chặt chẽ tác chiến, chính trị, ngoại giao đã trở thành nét đặc trưng trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và được phát huy trong thời kỳ chiến tranh cách mạng là một trong 3 mũi giáp công quân địch, góp phần vào sự nghiệp "đánh cho mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Phát huy những kinh nghiệm quí báu đó, đòi hỏi mỗi chính trị viên cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào trong điều kiện mới hiện nay. Trước hết, cần xác định rõ đối tượng, đối tác, đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của mỗi đơn vị để chính trị viên xác định nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới đạt hiệu quả cao. Theo đó, chính trị viên cần tập trung vào nhiệm vụ “Tuyên truyền vận động và đấu tranh với các thế lực thù địch với những lực lượng, những người bị chúng sử dụng trong âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phá hoại sự ổn định chính trị và chế độ xã hội chủ nghĩa của ta, làm cho họ thấy rõ sự thật và sự nghiệp chính nghĩa của ta, tôn trọng luật pháp nước ta và công pháp quốc tế, làm giảm sút ý chí, tinh thần và tư tưởng đối địch, phá hoại của họ, phân hoá lực lượng thù địch và chống đối, góp phần cùng với các hình thức đấu tranh khác ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của quân đội”[4]. Phải nắm chắc đối tượng tuyên truyền địch vận hiện nay là những thế lực nước ngoài có âm mưu, hành động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa; xâm phạm độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, các thế lực thù địch trong nước cầm đầu hoặc trực tiếp nằm trong các tổ chức phản động, các lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; một bộ phận nhân dân ở trong nước và bộ phận Việt kiều ở ngoài nước bị các thế lực thù địch mua chuộc kích động, khống chế, lợi dụng trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ đối với Việt Nam…Như vậy, đối tượng của công tác tuyên truyền đặc biệt hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Mỗi đối tượng có đặc điểm tư tưởng chính trị, tâm lý và hoàn cảnh riêng. Có đối tượng đã lộ rõ mặt phản động và phản bội, nhưng có đối tượng vẫn còn giấu mặt, ngấm ngầm chống phá. Có người vô tình, nhưng có kẻ lại cố ý chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Vì vậy, chính trị viên cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo những hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể, như thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; các hình thức của công tác dân vận; các già làng, trưởng bản; chức sắc tôn giáo tiến bộ; những người từng mắc mưu địch đã hối cải; thân nhân của đối tượng và tích cực viết bài đấu tranh chống “Diễn biến hoà bình” hoặc đấu tranh trực diện trên mạng để tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền đặc biệt.
Ba là, thường xuyên tự trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền địch vận.
    Kỹ năng tuyên truyền địch vận của người chính trị viên phụ thuộc vào độ rộng, chiều sâu của tri thức, kinh nghiệm và khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo của mỗi người. Do đó, để làm tốt công tác tuyên truyền địch vận hiện nay đòi hỏi mỗi chính trị viên, bên cạnh những kiến thức về địch vận được trang bị tại nhà trường quân đội, phải không ngừng tự trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền địch vận, phát huy cao độ vai trò năng động chủ quan của mình. Theo đó, chính trị viên phải tự nghiên cứu nắm chắc các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; đối tượng địch vận, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn; nhiệm vụ tuyên truyền địch vận của đơn vị; những thuận lợi, khó khăn để nâng cao trình độ kiến thức, tư duy lý luận. Đồng thời, tự rèn luyện phát triển, nâng cao kỹ năng tuyên truyền địch vận, nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tuyên truyền miệng, kỹ năng tiếp cận địa bàn và đối tượng; kỹ năng vận động thuyết phục và đấu tranh với từng đối tượng cụ thể; kỹ năng phát hiện thời cơ, xử trí nhanh, linh hoạt và có hiệu quả các tình huống; kỹ năng sử dụng các phương tiện tuyên truyền địch vận; kỹ năng tổ chức và phối hợp với các lực lượng tiến hành tuyên truyền địch vận. Thông qua chuẩn bị bài giảng giáo dục chính trị cho các đối tượng trong đơn vị; tham gia các lớp tập huấn do cấp trên mở; qua việc tổ chức mạn đàm, trao đổi, diễn đàn, báo cáo viên; tự nghiên cứu tài liệu, tự quan sát thực tiễn để rút kinh nghiệm; thông qua tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo, chính quyền địa phương; nắm tin tức của cấp trên cung cấp…
Bốn là, chính trị viên phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt.
  Đây là sự quán triệt và thực hiện quan điểm tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Vì vậy, chính trị viên phải biết phát huy sức mạnh các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng quân thù trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, không gian và thời gian. Trước hết, người chính trị viên phải thường xuyên bồi dưỡng cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ vị trí, ý nghĩa to lớn của công tác địch vận hiện nay, thấy rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, hình thức, phương pháp địch vận, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và tổ chức các hoạt động tuyên truyền địch vận cho đơn vị thiết thực, cụ thể. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “chẳng những cán bộ phải làm địch vận, mà còn phải tìm cách làm cho toàn thể bộ đội, toàn thể dân chúng đều tham gia công việc địch vận”[5]. Chủ động phối hợp với địa phương và các lực lượng liên quan trên địa bàn đóng quân để xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch phối hợp tiến hành công tác tuyên truyền đặc biệt. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng để giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thấy rõ sự cần thiết phải phối hợp tiến hành công tác tuyên truyền đặc biệt, xây dựng tinh thần đoàn kết hiệp đồng giữa các lực lượng, chủ động trao đổi tình hình, rút kinh nghiệm thống nhất biện pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiến hành tuyên truyền đặc biệt. 
           Công tác địch vận của quân đội nhân dân Việt Nam có vị trí ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, tạo môi trường ổn định, yên bình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Tiến hành công tác địch vận là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn quân, trong đó nhiệm vụ của chính trị viên là rất quan trọng, chất lượng, hiệu quả công tác địch vận phụ thuộc vào năng lực tổ chức thực hiện công tác địch vận của người chính trị viên. Do đó, nhiệm vụ của chính trị viên “Đối với quân địch, gồm cả binh lính Pháp cùng những người ngoại quốc và người Việt Nam trong quân đội Pháp, chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta” trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình hiện nay.


[1] Chỉ thị “tuyên truyền địch vận” ngày 01/9/1947 của Cục Chính trị.
[2]Thư gửi đồng bào và bộ đội (vệ quốc quân và  dân quân du kích) Tả ngạn Liên khu III-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG 2009, tr.330

[3] Vận động nguỵ binh-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG 2009, tr.234    
[4] Chỉ thị số 201/ĐUQSTW ngày 31/12/1996 về tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới.
[5]Lịch sử Cục dân vận và tuyên truyền đặc biệt (1947-2007)-Nxb QĐND, 2008. tr.75

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét