PHÁT HUY VAI TRÒ XUNG KÍCH SÁNG TẠO
CỦA CÁC CHI ĐOÀN ĐẠI ĐỘI QUẢN LÝ HỌC VIÊN
Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
Nhận thức đúng đắn vai trò to lớn hoạt động xung kích của tổ chức đoàn và đoàn viên trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Chính trị, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp luôn quan tâm đúng mức và tạo điều kiện thuận lợi để các chi đoàn nói chung và ở chi đoàn đại đội học viên nói riêng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, xung kích sáng tạo vào nhiệm vụ chính trị trung tâm, nhiệm vụ khó khăn phức tạp, khâu yếu, mặt yếu của đơn vị. Thông qua đó, tài trí, tính chủ động, sức sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, tiềm năng to lớn của mỗi đoàn viên được khơi dậy và phát huy cao độ. Do vậy, chất lượng, hiệu quả của các phong trào hoạt động xung kích trên các nhiệm vụ học tập và nghiên cứu khoa học, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật ngày càng được nâng cao và có bước phát triển vững chắc, đã khẳng định vai trò xung kích của đoàn viên trong thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhận thức về vai trò hoạt động xung kích của một số cấp uỷ, tổ chức đoàn và đoàn viên chưa đầy đủ; vai trò xung kích của một số chi đoàn đại đội học viên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định; một số cán bộ đoàn, đoàn viên thiếu hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động xung kích; nhiều nội dung hoạt động của chi đoàn chưa trúng và sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở mỗi đại đội trong từng giai đoạn, năm học, từng đối tượng quản lý, còn chung chung, dài trải; hình thức chưa đa dạng, phong phú, chưa thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia... Để phát huy vai trò xung kích sáng tạo của các chi đoàn đại đội trong thực hiện nhiệm vụ ở Trường Đại học Chính trị hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung biện pháp cơ bản sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị đối với hoạt động xung kích của chi đoàn.
Thực tiễn cho thấy, khi các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị, đặc biệt là cấp uỷ, cán bộ chủ trì đơn vị nhận thức đúng đắn và có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng rõ ràng các hoạt động xung kích của chi đoàn thì ở đó phong trào xung kích có chất lượng, hiệu quả cao, trực tiếp góp phần không nhỏ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Ngược lại, ở đâu, nơi nào, nhận thức của các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị không đầy đủ, thiếu sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo sẽ làm hạn chế đến chất lượng và hiệu quả hoạt động xung kích của tổ chức đoàn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khoá VII) chỉ rõ: “Khuyết điểm lớn là nhận thức vai trò của thanh niên và nội dung công tác thanh niên trong thời kỳ mới, xử lý các vấn đề về thanh niên không sát đúng với tâm lý và nhu cầu mới của thanh niên” (1). Vì vậy, phát huy vai trò hoạt động xung kích của các chi đoàn đại đội học viên ở Trường Đại học Chính trị hiện nay, đòi hỏi, phải nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng ở mỗi đại đội quản lý học viên.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, các lực lượng ở mỗi đại đội quản lý học viên về vai trò xung kích của chi đoàn, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ trì đơn vị, ban chấp hành chi đoàn cần phải thường xuyên quán triệt quan điểm cơ bản của Đảng, các chủ trương chính sách và quyết nghị của cấp trên về công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đoàn nói chung và của chi đoàn nói riêng, gắn các hoạt động xung kích của chi đoàn với việc kiểm điểm trách nhiệm của từng người, từng tổ chức trong đơn vị, làm cho mỗi đoàn viên ý thức cao vai trò xung kích sáng tạo của mình trong xây dựng đơn vị.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi uỷ, chi bộ, chính trị viên đại đội đối với hoạt động xung kích của các chi đoàn.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy, chi bộ vừa là thể hiện nguyên tắc tính Đảng, vừa là nhân tố quan trọng quyết định đến việc phát huy vai trò hoạt động xung kích của chi đoàn, đảm bảo cho chi đoàn giữ vững phương hướng chính trị, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung của các phong trào hoạt động xung kích.
Trước hết, chi uỷ, chi bộ phải thường xuyên có chủ trương, biện pháp lãnh đạo về công tác thanh niên và hoạt động phong trào đoàn; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của đoàn; chú trọng phân công chi uỷ viên, đảng viên theo dõi và tham gia các hoạt động xung kích của đoàn, bảo đảm luôn giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi uỷ, chi bộ đối với hoạt động xung kích của chi đoàn ở mọi lúc, mọi nơi. Phải tăng cường sự chỉ đạo của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, mà trước tiên là phát huy tốt vai trò chỉ đạo trực tiếp của chính trị viên đại đội trong quản lý, điều hành mọi hoạt động của chi đoàn, kết quả hoạt động xung kích của chi đoàn phụ thuộc nhiều vào vai trò trách nhiệm của người chính trị viên.
Do vậy, chính trị viên đại đội phải hết lòng quan tâm tạo điều kiện và giúp đỡ cho chi đoàn hoạt động. Để làm tốt vai trò của mình, đòi hỏi, chính trị viên đại đội phải nắm vững tình hình mọi hoạt động của chi đoàn; định kỳ nghe cán bộ đoàn báo cáo kết quả hoạt động xung kích trên các mặt công tác của đơn vị; định hướng nội dung, hình thức và phương thức hoạt động xung kích của đoàn vào trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên kiện toàn ban chấp hành đoàn bảo đảm đủ số lượng và có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chi đoàn. Thống nhất kế hoạch hoạt động của các phong trào hoạt động xung kích của chi đoàn với kế hoạch chung của đơn vị, để chỉ đạo các hoạt động của đoàn nhịp nhàng, không bị chồng chéo. Đồng thời, tạo điều kiện về mọi mặt cho chi đoàn hoạt động, phân định rõ công tác quản lý, chỉ huy đơn vị với công tác quản lý, điều hành hoạt động xung kích của đoàn, chú trọng phát huy tính độc lập, tính tự quản về tổ chức và hoạt động của ban chấp hành chi đoàn.
3. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động xung kích của các chi đoàn.
Việc đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức hoạt động xung kích của chi đoàn luôn phải bám sát nghị quyết của các cấp uỷ đảng, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị của chính trị viên, hướng hoạt động xung kích vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết lãnh đạo của cấp uỷ, chi bộ; nhất là hoạt động xung kích tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về học tập và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật ở mỗi đơn vị.
Thực tế cho thấy, các chi đoàn đại đội quản lý học viên ở Nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động xung kích phù hợp với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của từng tổ chức, hoạt động xung kích đã tập trung vào thực hiện nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học và xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Tuy nhiên, nội dung các phong trào xung kích quá nhiều, chưa sát với tình hình với từng đơn vị còn chung chung, dàn trải, thiếu cụ thể. Do vậy, chưa kích thích tính tích cực, sức sáng tạo của đoàn viên, dẫn đến vẫn còn một số ít đoàn viên chưa thực sự cố gắng vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học, kết quả học còn thấp; chưa nêu cao tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật; kết quả mức độ chuyển biến tình hình chấp hành kỷ luật ở một số chi đoàn còn thiếu tính vững chắc ...
Vấn đề đặt ra hiện nay là các chi đoàn phải đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động xung kích. Về nội dung hoạt động xung kích, các chi đoàn cần tập trung xung kích vào nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là học tập, nghiên cứu khoa học và xây dựng nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật ở mỗi đơn vị. Tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi đơn vị mà chi đoàn xung kích vào một mặt, một khâu yếu nhất của đơn vị để làm chuyển biến rõ rệt trong một thời gian ngắn, tạo sự chuyển biến vững chắc sau đó chuyển sang nội dung hoạt động xung kích khác chứ không tiến hành dàn trải. Nội dung xung kích cần phải xác định chỉ tiêu cụ thể, thiết thực, không cao quá hoặc thấp quá.
Đồng thời, phải đa dạng hoá các hình thức hoạt động xung kích, bảo đảm tính sinh động kế thừa và phát triển những hình thức hoạt động trước đây đã có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tâm lý, nhu cầu nguyện vọng của đoàn viên thanh niên như: “đôi bạn cùng tiến”, “đôi bạn 15 điểm”, “vọng gác thanh niên”, “cung đường tuần tra thanh niên”, “giờ học thanh niên”... Theo đó, mỗi chi đoàn cần lựa chọn nhiều nhóm hoạt động xung kích cùng lúc vào thực hiện cùng một nhiệm vụ, hoặc trên từng nội dung cụ thể của nhiệm vụ đó, mỗi nhóm xung kích có khoảng 5 - 7 đoàn viên, được thành lập trên cơ sở phân công của ban chấp hành chi đoàn hoặc trên cơ sở ban chấp hành chi đoàn lựa chọn nhóm xung kích theo sở thích để tăng cường các hoạt hoạt động trao đổi, giao lưu học tập lẫn nhau và phát huy được tính sáng tạo và trách nhiệm của mỗi nhóm xung kích để nâng cao chất lượng, hiệu quả trên những nội dung cụ thể của đơn vị và thi đua với các nhóm xung kích khác.
4. Phát huy vai trò của ban chấp hành chi đoàn, tính tích cực, tự giác của đoàn viên trong hoạt động xung kích của chi đoàn.
Sự năng động, sáng tạo của ban chấp hành đoàn, cộng với tính tích cực, tinh thần tự giác của đoàn viên là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động xung kích. Thực tiễn phong trào xung kích của các chi đoàn đại đội quản lý học viên trong Nhà trường những năm qua phụ thuộc nhiều vào tính chủ quan của ban chấp hành chi đoàn, mỗi đoàn viên. Do vậy, để phát huy tốt vai trò của ban chấp hành chi đoàn, tính tích cực, tinh thần tự giác của mỗi đoàn viên trong hoạt động xung kích, phải thường xuyên kiện toàn ban chấp hành chi đoàn đủ về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu hợp lý. Phải lựa chọn những đồng chí có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có năng khiếu và kinh nghiệm trong công tác đoàn; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng năng lực tổ chức các phong trào hoạt động cho các ủy viên ban chấp hành chi đoàn nhất là kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động xung kích thông qua nhiều hình thức linh hoạt. Sau mỗi phong trào hoạt động xung kích phải tiến hành sơ tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Đồng thời, phải phát huy cao độ tính tự giác của mỗi đoàn viên trong hoạt động xung kích, vì hiệu quả xung kích xét đến cùng phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác của mỗi đoàn viên. Do vậy, phải khuyến kích, động viên và tích cực đưa đoàn viên vào tham gia vào các mặt hoạt động xung kích của chi đoàn.
/.
Liªn chi ®oµn hËu cÇn
|
Liªn chi ®oµn kü thuËt |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, Số 04/NQ-TW, ngày 14/1/1993, tr. 4
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011.
* Chủ nhiệm bộ môn - Khoa Công tác đảng, công tác chính trị /Trường Đại học Chính trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét