MẤY VẤN ĐỀ BÀN THÊM VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THỰC HÀNH
CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ Ở CÁC NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY
Cùng với đổi với chương trình, nội dung môn công tác đảng, công tác chính trị thì đổi mới phương pháp dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hình thành, phát triển ở người học những kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị cần thiết trong tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực tiễn. Đồng thời, là tiếp tục quán triệt và cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Đảng uỷ Quân sự trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo ở mỗi nhà trường quân đội hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, phương pháp dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị ở các trường sĩ quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảng viên đã có nhiều cố gắng chuyển đổi từ phương pháp giảng bài độc thoại, truyền thụ kiến thức một chiều là chủ yếu sang hướng vận dụng các phương pháp dạy học tích cực và sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, kết hợp với làm mẫu, thị phạm những quy trình, thao tác tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho học viên quan sát. Tuy nhiên, phương pháp dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị ở một số khâu, một số bước chưa đem lại hiệu quả cao, nhất là phương pháp thiết kế và sử lý các tình huống thực hành công tác đảng, công tác chính trị; năng lực thực hành công tác đảng, công tác chính trị một số giảng viên khi làm động tác mẫu, thị phạm trước người học còn hạn chế, chưa thực sự chuẩn mực. Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị. Để khắc phục được những hạn chế nêu trên. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và kết hợp sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp giảng bài trong một chủ đề thực hành, thì đổi mới phương pháp dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị cần tập trung vào:
Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng bài thực hành công tác đảng, công tác chính trị.
Đây là công việc quan trọng đầu tiên thuộc về chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của người giảng viên. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch huấn luyện, đặc điểm từng đối tượng đào tạo, mỗi chủ đề thực hành cụ thể, giảng viên cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, cách hướng dẫn thực hành cho người học. Từng trọng tâm, trọng điểm giảng viên lựa chọn một số nội dung quan trọng, tập trung hướng dẫn kỹ cách tổ chức thực hiện, để học viên tập bài; kết hợp với nêu những vấn đề gợi mở, mở rộng, những tình huống cụ thể, nhất là những vấn đề thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị nảy sinh, bất cập, những vấn đề phát triển mới ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay, buộc người học phải “khởi động não”, tự tìm ra nguyên nhân và xác định hướng giải quyết, làm tăng khả năng tư duy, sáng tạo và khả năng thích ứng, nhanh nhạy trong vận dụng linh hoạt những kiến thức được trang bị và những kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân tích luỹ, quan sát được trong thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị, vào tập bài thực hành; lớp học thảo luận; giảng viên khêu gợi, định hướng nhận thức chung. Đây được xem là phương pháp dạy học có sự đổi mới theo hướng chuyển trọng tâm từ truyền đạt, thuyết trình sang trọng tâm là tổ chức, điều khiển nhận thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tay nghề công tác đảng, công tác chính trị cho người học, nhờ đó mà kích thích mạnh mẽ tính tích cực nhận thức của học viên, nâng cao chất lượng dạy học thực hành. Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp dạy học hiện đại với truyền thụ kinh nghiệm theo quan điểm trong giáo dục - đào tạo. Theo đó, giảng viên lựa chọn một số vấn đề hướng dẫn bài tập thực hành thông qua những kinh nghiệm thực tiễn, kể cả kinh nghiệm thành công và kinh nghiệm chưa thành công. Những kinh nghiệm này, có thể bản thân mỗi giảng viên tích luỹ được trong xuốt quá trình công tác hoặc thông qua các chuyên đề nghiên cứu của các giảng viên khác khi đi dự nhiệm; hướng dẫn học viên thực tập; qua chao đổi, đi nghiên cứu tình hình thực tiễn hàng năm, để truyền thụ kinh nghiệm tổ chức thực hiện cho người học. Một số qui trình, thao tác tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cụ thể, đòi hỏi, giảng viên phải trực tiếp làm mẫu, làm thị phạm, hoặc tổ chức đội mẫu để học viên quan sát, nhất là những bài tập thực hành về công tác tư tưởng; công tác tổ chức; công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ như: diễn văn khai mạc, bế mạc đại hội, hội nghị; điếu văn; lời chia buồn; chủ trò văn nghệ múa; cắt chữ; thuyết minh trại; thứ tự chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của chính trị viên, chính trị viên phó đại đội, tiểu đoàn; điều khiển hội nghị chi bộ lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu …Như vậy, đổi mới phương pháp giảng bài thực hành công tác đảng, công tác chính trị có vai trò quan trọng trong trang bị kiến thức tay nghề công tác đảng, công tác chính trị cho người học.
Thứ hai, đổi mới phương pháp tổ chức luyện tập thực hành công tác đảng, công tác chính trị.
Học thực hành công tác đảng, công tác chính trị là quá trình vừa trang bị hệ thống kiến thức lý thuyết thực hành, kinh nghiệm thực tiễn, vừa mang tính hướng dẫn tay nghề cho người học. Do đó, đổi mới phương pháp tổ chức luyện tập thực hành công tác đảng, công tác chính trị là trực tiếp rèn luyện kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị cho người học. Kỹ năng, kỹ sảo của người học chỉ được hình thành và phát triển trên cơ sở được rèn luyện thường xuyên và có một phương pháp tổ chức luyệt tập tốt. Theo đó, quá trình tổ chức luyện tập thực hành công tác đảng, công tác chính trị ở tổ (tiểu đội), giảng viên phải theo sát từng bước tập bài của học viên, căn cứ tình hình thực tiễn kết quả tập bài của từng học viên để ra những tình huống phụ cho học viên xử lý, khắc phục tình trạng dập khuôn máy móc, hoặc tập bài xuôi chiều không phát huy tính năng động, sáng tạo của người học. Những khâu, những bước tập bài của người học còn lúng túng giảng viên phải hướng dẫn, định hướng hoặc làm mẫu cho người học quan sát và kiên quyết tổ chức luyện tập, tránh qua lượt. Trong quá trình giảng viên hướng dẫn, tổ chức cho học viên tập bài, lãnh đạo, chỉ huy hệ, tiểu đoàn cần chỉ đạo, yêu cầu cán bộ lớp, đại đội nhất là cán bộ chính trị phải luôn bám sát, theo dõi các khâu, các bước của mỗi bài tập; nắm mục đích, yêu cầu tập luyện từng bài tập cụ thể để cùng giảng viên tổ chức cho đơn vị tập bài; và là cơ sở để tổ chức các hoạt động ngoại khoá sau bài giảng cho đơn vị; tránh quan niệm cho rằng tổ chức luyện tập thực hành công tác đảng, công tác chính trị là hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của giảng viên và tự nghiên cứu của học viên; mà chưa thấy hết vai trò là người “thầy thứ hai” trong luyện tập thực hành của học viên. Chỉ có như vậy, cán bộ quản lý trực tiếp mới phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong quản lý và hướng dẫn học viên của đơn vị học tập. Ngoài thời gian tập luyện chính khoá, căn cứ vào kết quả, chất lượng của từng học viên. Giảng viên cắm lớp cùng với cán bộ quản lý đơn vị, trao đổi xây dựng kế hoạch và tổ chức cho học viên tiếp tục luyện tập thêm, hướng ưu tiên cho số học viên còn hạn chế trong quá trình tập bài, theo phương pháp: yếu nội dung gì thì tổ chức cho người học luyện tập nội dung đó. Thực hiện, học mới ôn cũ, giảng viên hướng dẫn, luyện tập trên lớp, cán bộ quản lý tổ chức cho học viên luyện tập ở đơn vị và thường xuyên có chao đổi với giảng viên về phương pháp hoạt động, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, bình xét, rút kinh nghiệm chung trong đơn vị sau mỗi kíp tập bài, góp phần tích cực vào đổi mới phương pháp tổ chức luyện tập thực hành công tác đảng, công tác chính trị ở các trường quân đội hiện nay.
Thứ ba, đổi mới phương pháp tự học thực hành công tác đảng, công tác chính trị của học viên.
Đây là yếu tố cơ bản nhất để tạo ra bước trưởng thành hơn về trình độ, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị bảo đảm khám phá, bổ sung tri thức mới, mở rộng nội dung bài học, tích luỹ kiến thức thực hành công tác đảng, công tác chính trị, thông qua các lần tập bài thực hành, thực tập, diễn tập, thi, kiểm tra. Khắc phục sức ỳ của mỗi người học trong quá trình đào tạo.
Thực tiễn cho thấy, phương pháp tự học thực hành công tác đảng, công tác chính trị của đa số học viên còn nhiều hạn chế, học viên chưa tận dụng triệt để thời gian cho tự rèn luyện, tự thục luyện các qui trình tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhất là những kỹ năng thực hành còn yếu của bản thân; chưa sưu tầm, tìm đọc nghiên cứu tài liệu có liên quan đến học thực hành công tác đảng, công tác chính trị, thiếu quan sát hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của đơn vị và cơ quan chức năng tổ chức để rút kinh nghiệm. Do vậy, khi tập bài còn biểu hiện dập khuôn máy móc, chưa vận dụng sáng tạo trong vai diễn trong cả tập bài, thực tập, diễn tập nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình thành, phát triển năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của học viên.
Theo đó, phương pháp tự học có khoa học thì người học phát sẽ triển tư duy, độc lập, sáng tạo, hình thành, phát triển kỹ năng thực hành công tác đảng, công tác chính trị nhanh hơn và vững chắc hơn. Tự học khoa học là con đường ngắn nhất, nhưng mang lại hiệu quả cao trong hình thành, phát triển năng lực thực hành công tác đảng, công tác chính trị của học viên, khắc phục được mâu thuẫn giữa phát triển phong phú, phức tạp của thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị với năng lực công tác đảng, công tác chính trị có hạn của bản thân. Thực hiện nội dung này đòi hỏi người học phải chủ động xây dựng kế hoạch tự học phù hợp, xác định đúng nội dung tự học, có trọng tâm, trọng điểm; xác định kế hoạch thời gian tự học cụ thể; xây dựng ý thức tự học tốt và kiên trì trong tự luyện tập. Đổi mới phương pháp tự học thực hành công tác đảng, công tác chính trị không chỉ học thuộc nội dung thực hành công tác đảng, công tác chính trị là đủ, mà quan trọng hơn là người học phải tự thục luyện động tác theo những quy trình thống nhất ở mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ mọi thời gian để ôn luyện, chủ động, tích cực quan sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, đồng đội, tìm gặp và trao đổi với giảng viên, cán bộ công tác ở đơn vị cơ sở; đồng thời gắn với tính năng động sáng tạo tự khám phá phát hiện khâu yếu, mặt yếu của chính mình, những bất hợp lý giữa lý thuyết và thực tiễn trong quá trình tự học mà tích cực sưu tầm nghiên cứu tài liệu, tự hoàn thiện những kỹ năng cần thiết đáp ứng với yêu cầu đào tạo.
Bốn là, phương pháp dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị phải kết hợp chặt chẽ với sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại.
Phương tiện dạy học hiện đại, là công cụ hỗ trợ tích cực cho giảng viên thể hiện phương pháp truyển tải nội dung dạy học. Dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị rất cần đến sự hỗ trợ của phương tiện dạy học, để người học có thể quan sát được những quy trình, thao tác, thứ tự nội dung tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Do đó, để đổi mới phương pháp dạy học thực hành công tác đảng, công tác chính trị, nhất thiết, giảng viên phải tăng cường tìm kiếm, thiết kế nội dung, sử dụng linh hoạt phù hợp các phương pháp dạy học với sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn phương tiện, kỹ thuật trình chiếu POWERPOIN, sơ đồ, mẫu biểu, phim học phụ để vừa làm tăng tính hấp dẫn, gây hứng thú và thuyết phục được người học, vừa tiết kiệm thời gian, giảm nhẹ cường độ lao động dạy học, tăng thời gian cho luyện tập thực hành trực tiếp nâng cao năng lực thực hành công tác đảng, công tác chính trị và phát triển tư duy sáng tạo cho người học, bảo đảm cho người học sau khi ra trường hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngày 10 tháng 10 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét