Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

XÂY DỰNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG TRONG QUÂN ĐỘI VỮNG MẠNH THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4, KHOÁ XII

 
 
               
Xây dựng chỉnh đốn Đảng là một nhiệm vụ then chốt, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp chặt chẽ "xây" với "chống" lấy xây làm chính, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4, khó XII đã nhận diện những biểu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, xác định nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay. Để xây dựng tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Đòi hỏi, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung vào một số nội dung biện pháp sau:
Một là, thường xuyên củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức cơ sở đảng. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư về thi hành Điều lệ Đảng, khóa XII; Quy định số 59-QĐ/TW ngày 22/12/2016 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức đảng, nhất là kiện toàn các cấp ủy ở cơ sở bảo đảm đủ số lượng theo quy định. Lựa chọn nhân sự kiện toàn tham gia cấp ủy có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cấp ủy viên theo đúng Chỉ thị 316/CT-ĐU ngày 31/7/2008 của Ban thường vụ, Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về xây dựng cấp ủy trong Đảng bộ Quân đội, gắn với yêu cầu phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị 87/CT-QUTW ngày 8/7/2016 của Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội. Hiện nay, cần phải coi trọng kiện toàn những đồng chí “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân”[1]. Đồng thời, phải có cơ cấu phù hợp, bảo đảm độ tuổi, mạnh dạn đưa những cán bộ trẻ có năng lực tham gia cấp ủy. Kiên quyết không kiện toàn vào các cấp ủy những cán bộ thiếu tiêu chuẩn, nhất là cán bộ có biểu hiện về tư tưởng chính trị cơ hội, vụ lợi, lợi ích nhóm…
Coi trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng, nhất là sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Duy trì có nền nếp sinh hoạt đảng; tăng cường hoạt động dự sinh hoạt của cấp ủy viên cấp trên; đề cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ bí thư, phó bí thư cấp ủy, chi bộ trong chuẩn bị, điều hành sinh hoạt tổ chức đảng, phân công tổ chức thực hiện. Lựa chọn nội dung sinh hoạt đảng phải sát thực tiễn, tình hình nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao tinh thần dân chủ, xác định những biện pháp, kế hoạch cụ thể để sửa chữa khuyết điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém trong chi bộ, đảng bộ mình, triển khai tổ chức thực hiện biện pháp phải quyết liệt, dứt điểm, “chống tư duy nhiệm kỳ”. Tăng cường đấu tranh, phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có biện pháp phòng, chống “diễn biến hòa bình” và ngăn ngừa “tự diễn biến” trong mỗi tổ chức.
Hai là, các cấp uỷ, tổ chức đảng cơ sở phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, phát huy vai trò gương mẫu trách nhiệm của cán bộ chủ trì. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã cảnh báo một trong hai nguy cơ của Đảng cầm quyền xa rời mục tiêu, lý tưởng của giai cấp. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng hiện nay, đó là những cảnh tỉnh của Đảng cầm quyền nói chung và mỗi tổ chức đảng, đảng viên nói riêng. Theo đó, các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, gắn với cụ thể hóa việc thực hiện nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực, sát với chức trách, nhiệm vụ được giao, chống tư tưởng chỉ khẩu hiệu, hô hào chung chung. Kịp thời phát hiện những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, có biện pháp giáo dục, phòng, chống ngăn từ cơ sở, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm cao cho mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong mỗi đơn vị.
Ba là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, chế độ tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức căn bản của Đảng; buông lỏng nguyên tắc này là nguy cơ làm suy yếu tổ chức đảng. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là dân chủ trong công tác cán bộ, chế độ tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng. Công tác cán bộ phải được dân chủ thảo luận, trao đi, đổi lại thật kỹ trong mỗi cấp ủy, tạo sự đồng thuận, thống nhất, thực sự lựa chọn những cán bộ tốt để xem xét, tham mưu, đề xuất, đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ các cương vị công tác phù hợp, xứng đáng theo phương châm "vì việc xếp người". Kiên quyết chống tư tưởng lồng ghép ý kiến cá nhân trong công tác cán bộ để cất nhắc những người không đủ tiêu chuẩn vào những vị trí lãnh đạo, quản lý, tạo lập lợi ích nhóm, cánh hẩu.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc và quy chế lãnh đạo của các cấp ủy, xác định và phát huy tốt trách nhiệm, quyền hạn của bí thư, phó bí, các cấp ủy viên, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân cấp ủy viên các cấp trong thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và khắc phục hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân; gắn với phân loại cán bộ, đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng hằng năm. Trong phê bình không được giấu diếm khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thật thà, thành khẩn, tự giác nhận kỷ luật, chống biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh hoặc lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc chỉ trích, phê phán hạ thấp vai trò, uy tín của người khác. Chỉ có như vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng mới xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. 
Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý vi phạm kỷ luật. Công tác kiểm tra, giám sát là một chức năng lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo không kiểm tra, giám sát là không có lãnh đạo, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ “các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát” để siết chặt kỷ luật kỷ cương trong Đảng. Theo đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt và cụ thể hóa Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 và Hướng dẫn 01-HD/UBKTTW ngày 21/11/2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật  của Đảng vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp mình, trên cơ sở đó, từ tình hình thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị và hướng dẫn của cấp trên mà xây dựng, rà soát bổ sung kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, năm. Nội dung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên phải dựa vào chức năng, nhiệm vụ, chức trách được phân công, gắn với những yêu cầu thực hiện của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; đối tượng kiểm tra, giám sát cần tập trung trước hết vào đội ngũ cán bộ chủ trì, những cán bộ công tác trong quản lý xây dựng cơ bản, tài chính, cán bộ, những cán bộ có dấu hiệu vi phạm kỷ luật hoặc có dư luận không tốt. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy ban kiểm tra các cấp, cán bộ chủ trì phải nắm chắc tư tưởng, phương châm, phương pháp, thẩm quyền quyết định kiểm tra, giám sát; thực hiện nghiêm quy trình công tác kiểm tra, giám sát, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống tư tưởng hình thức, qua loa đại khái. Khi cán bộ có vi phạm kỷ luật phải tiến hành đúng quy trình, nguyên tắc và xử lý cán bộ vi phạm nghiêm túc, không nương nhẹ, chống biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới” để giữ nghiêm tính nghiêm minh kỷ luật của Đảng.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong tham gia xây dựng tổ chức đảng. Tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong mỗi đơn vị có vai trò rất quan trọng. Việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII vào xây dựng các tổ chức đảng phải biết dựa vào tinh thần trách nhiệm của các tổ chức quần chúng: đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ; của hội đồng quân nhân. Quần chúng là tai mắt của Đảng, mọi hoạt động thực tiễn, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên trong đơn vị phần lớn được quần chúng hiểu biết, các vụ việc tiêu cực, sai lầm của cán bộ, đảng viên phần nhiều do quần chúng phát hiện và tố giác. Vì mọi chủ trương, nhiệm vụ chính trị đều do quần chúng trực tiếp thực hiện dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, cho nên quần chúng hiểu rõ phẩm chất, năng lực của tổ chức đảng và đảng viên lãnh đạo họ. Khi tiến hành lấy ý kiến tham gia đóng góp phê bình của quần chúng là cơ sở cho công tác đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên bảo bảm tính khách quan toàn diện, góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
 
 







[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, NghÞ quyÕt Héi nghÞ lÇn thø t­ Ban ChÊp hµnh Trung ­¬ng §¶ng, khãa XII.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét