Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

           
Operating in the open air to do the people’s mission is to carry our well the task function of army, a part in consoling, building “Standing place of people”, union relation ship with local government and people. to build the strong  local government. To practis and manners of the mission, skill and spirit, “solders’s uncle Ho” virtue for the cadres and solders of the army. To building the strong and complete unit.

Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận là một hình thức của công tác dân vận trong Quân đội, đưa bộ đội ra ngoài doanh trại làm công tác dân vận trong một thời gian theo quy định hoặc theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất của các địa phương và được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị cần thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:  
Một là, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng tiến hành làm công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở
Đây là nội dung biện pháp quan trọng tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ công tác dân vận. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác dân vận, nhất là những vấn đề cơ bản về công tác dân vận của quân đội trong thời kỳ mới, về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, tư tưởng, phương châm, nội dung, hình thức tiến hành công tác dân vận trong quân đội, Hướng dẫn số 303/HD-CT ngày 28/2/2018 của Tổng cục Chính trị về thực hiện hành quân dã ngoại làm công tác dân vận trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ. Quán triệt các nghị quyết, kế hoạch hành quân dã ngoại làm công tác dân vận của đơn vị. Kịp thời thông tin tình hình kinh tế, quốc phòng, an ninh, chính trị, xã hội; phong tục, tập quán, dân tộc, tôn giáo, những thuận lợi, khó khăn, tình hình âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá Việt Nam trong chiến lược “diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ở địa phương đơn vị làm công tác dân vận. Coi trọng bồi dưỡng các kỹ năng tiến hành công tác dân vận như: Kỹ năng thâm nhập, nghiên cứu nắm tình hình địa bàn dân vận. Kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền vận động nhân dân. Kỹ năng tổ chức các hoạt động xây dựng cơ sở địa phương. Kỹ năng xử trí các tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân vận của đại đội. Phát hiện đấu tranh, ngăn chặn biểu hiện thoái thác nhiệm vụ, coi nhẹ chất lượng, hiệu quả công việc hoặc tư tưởng lệch lạc cho rằng làm công tác dân vận là “ban ơn”, “làm phúc”.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng tiến hành làm công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức phù hợp như: Thông qua học tập lý luận chính trị theo chương trình quy định của Tổng cục Chính trị cho các đối tượng; thông qua sinh hoạt phổ biến, quán triệt nhiệm vụ; giao ban, hội ý lãnh đạo, chỉ huy; diễn đàn, mạn đàm, trao đổi, kể chuyện, nói chuyện chuyên đề về công tác dân vận; cử cán bộ, chiến sĩ dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác dân vận do cấp trên tổ chức; hướng dẫn, cấp phát tài liệu cho cán bộ, chiến sĩ tự nghiên cứu; tổ chức thi, tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến công tác dân vận; tổ chức rút kinh nghiệm, tham quan điển hình xuất sắc trong thực hiện hành quân dã ngoại làm công tác dân vận của đơn vị tại địa phương và đơn vị bạn.
Hai là, xác định đúng nội dung hành quân dã ngoại làm công tác dân vận phù hợp, cụ thể, thiết thực với từng cơ quan, đơn vị và địa bàn đóng quân
Nội dung hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở mỗi đơn vị cơ sở cần phải cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị và địa bàn đóng quân. Trên cơ sở Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Bộ Tổng Tham mưu, Chỉ thị Công tác đảng, công tác chính trị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của quân khu, quân đoàn, sư đoàn, các đơn vị cơ sở tổ chức thực hiện hành quân dã ngoại làm công tác dân vận cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:
Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự quốc phòng và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế trận thù địch, trong đó, cần coi trọng nội dung tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng, củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, định hướng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, đi sâu vào công tác phát triển đảng, quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tham gia xây dựng tổ chức chính quyền, phát huy vai trò, hiệu lực quản lý điều hành chính quyền theo hướng "Chính quyền kiến tạo, trách nhiệm và giải trình" với Phương châm là: Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin và thực hiện phong cách dân vận của Hồ Chí Minh” trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân. Tham gia giúp địa phương xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ bảo đảm thực hiện đúng quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ và quan hệ công tác. Tham gia giúp địa phương xây dựng củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là việc hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, các phương án bảo vệ địa bàn khi có tình huống về quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ...  Tham gia giúp địa phương phát triển sản xuất ổn định đời sống, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Thực hiện và cụ thể hóa các phong trào, các cuộc vận động cách mạng của đảng, Nhà nước, của quân đội nhất là: Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, những mô hình, như: “Ngày vì người nghèo”, “hũ gạo vì người nghèo”, “xóa 1 hộ đói, giảng một hộ nghèo; “Nhà đồng đội”, “ngôi nhà 100 đồng”, “trái tim cho em”, “lớp học bám trú dân nuôi”…,  thành việc làm cụ thể, thiết thực trong hành quân dã ngoại làm công tac dân vận như: rà phá bom mìn, vật cản, khử chất độc hoá học cho đất canh tác; vận động đồng bào xoá bỏ cây thuốc phiện, xóa hủ tục lạc hậu; mở các lớp học xoá mù chữ, giúp giáo dục phổ cập tiểu học; tham gia ngày công xây dựng phòng học, xây mới và sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa, xây dựng tu sửa, nâng cấp các bệnh xá quân dân y; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc vùng khó khăn; tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tri ân anh hùng liệt sĩ. Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa về bão lụt, ô nhiễm môi trường phù hợp với khả năng của mỗi đơn vị… góp phần ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt với nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.
 Ba là, thực hiện đầy đủ quy trình tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở đơn vị cơ sở
Việc tổ chức thực hiện hành quân dã ngoại làm công tác dân vận là trách nhiệm của các cấp ở đơn vị cơ sở “Lấy cấp trung đoàn và tương đương làm đơn vị tổ chức thực hiện (trường hợp đặc biệt khi tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường, bảo đảm an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội trên địa bàn với quy mô k[ns hơn, do cấp có thẩm quyền quyết định” (2), nhất thiết phải tuân thủ và thực hiện theo một quy trình xác định. Đây không những thể hiện tính khoa học, chủ động, cụ thể, tỷ mỉ mà còn là cơ sở để phân công tổ chức thực hiện, đánh giá, quy trách trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và đánh giá hiệu quả công tác dân vận ở mỗi đơn vị. Theo đó, các cấp nhất là đại đội, tiểu đoàn ở đơn vị cơ sở cần xác định rõ nội dung, biện pháp thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, theo 3 giai đoạn: trước, trong và kết thúc hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, cụ thể:
Giai đoạn trước khi hành quân dã ngoại làm công tác dân vận đòi hỏi tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, người phụ trách phải quán triệt nhiệm vụ, liên hệ nắm tình hình địa phương và trao đổi với địa phương, thống nhất kế hoạch dự kiến. Tổ chức sinh hoạt cấp ủy, chỉ huy xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Lập kế hoạch hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Tổ chức quán triệt nhiệm vụ, giao nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm cho toàn thể đơn vị. Bồi dưỡng nội dung các kỹ năng công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là các thành viên tổ công tác dân vận của đơn vị. Chỉ đạo tổ chức đoàn ra chương trình hành động, hướng hoạt động xung kích của đoàn có trọng tâm, trọng điểm vào thực hiện những nội dung được xác định trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Tổ chức phát động, đăng ký giao ước thi đua trong đơn vị và kiểm tra làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, tổng hợp báo cáo cấp trên.
Giai đoạn trong hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, phải động viên tổ chức cán bộ, chiến sĩ hành quân đến địa phương làm công tác dân vận bảo đảm an toàn, đúng vị trí, thời gian quy định. Phối hợp với địa phương ổn định nơi đóng quân, nắm lại những nội dung đã hiệp đồng, kịp thời điều chỉnh những nội dung công việc phát sinh. Duy trì, quản lý đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật dân vận, quy định đóng quân canh phòng ngoài doanh trại. Duy trì việc giao ban nắm tình hình ngày, làm tốt công tác biểu dương, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đã xác định và làm tốt công tác tuyên truyền cổ động trong thời gian hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Chia tay với địa phương, thực hiện “đi dân nhớ, ở dân thương”. Động viên, tổ chức bộ đội hành quân về đơn vị.
           Giai đoạn kết thúc hành quân dã ngoại làm công tác dân vận cấp ủy, chỉ huy phải lấy ý kiến nhận xét của bí thư, trưởng thôn, địa bàn nơi đóng quân. Tổ chức sinh hoạt đơn vị đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian đóng quân làm công tác dân vận; rút kinh nghiệm, bình xét khen thưởng, xử lý vi phạm dân vận và các quy định về đóng quân canh phòng (nếu có). Tuyên truyền kết quả đạt được của đơn vị. Nắm lại tình hình địa phương sau thời gian đơn vị rút quân, phối hợp giải quyết tốt mọi tồn đọng liên quan đến nhân dân. Kịp thời phản ánh tình hình và cáo cấp trên theo quy định. Tiếp tục giữ mối liên hệ, tăng cường giao lưu các hoạt động kết nghĩa, văn hóa, văn nghệ, xây dựng mối quan hệ “quân dân cá nước”.
     Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị cơ sở với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương trong tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận
    Việc thực hiện hành quân dã ngoại làm công tác dân vận cần có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương với đơn vị. Đơn vị cơ sở phải giới thiệu, phân công cán bộ đến địa phương gặp người đại diện cấp ủy, địa phương, hai bên phải thống nhất kế hoạch, thời gian, nội dung công việc tiến hành, thông tin, cung cấp nắm tình hình địa bàn về địa lý, dân số, dân tộc tôn giáo, phong tục tập quán, lịch sử, truyền thống; tình hình an ninh, kinh tế, chính trị, xã hội; những thuận lợi khó khăn của địa phương; cơ cấu tổ chức cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể địa phương, khả năng phối hợp hoạt động. Những yêu cầu đặt ra của địa phương, khả năng của đơn vị và các lực lượng phối hợp trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận.
    Đơn vị cơ sở và địa phương phải tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, nội dung hoạt động làm công tác dân vận đến nhân dân địa phương (làng, thôn, bản…) nơi trực tiếp cán bộ, chiến sĩ đến làm công tác dân vận. Tạo điều kiện bố trí nơi ăn, ở của cán bộ, chiến sĩ và tổ chức đóng quân canh phòng của đơn vị. Phối hợp thực hiện các nội dung xác định, kịp thời điều chỉnh, thống nhất những nội dung công việc phát sinh hoặc những tình huống công tác dân vận xảy ra. Quá trình phối hợp phải thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng quả công tác dân vận.                       

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét