Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

BẢN CHẤT KỶ LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là sự tuân thủ nghiêm ngặt và chính xác Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội; mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động của quân đội, từng đơn vị trên các lĩnh vực được chỉ huy, điều hành thống nhất, thông suốt.
Quân đội nhân dân Việt Nam là một tổ chức quân sự mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, bản chất kỷ luật của quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng và của giai cấp công nhân. Đó là kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”[1].

Kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam khác hẳn về chất so với kỷ luật của quân đội tư sản. Trong quân đội tư sản họ cũng nói đến kỷ luật, nhưng là thứ kỷ luật chủ yếu dựa trên sự cưỡng chế, buộc binh sĩ phải phục tùng và để duy trì, giữ vững kỷ luật đó, người ta phải sử dụng nhiều hình thức như phạt nặng, dùng cực hình, kích động hoặc dùng mê tín, tôn giáo... Kỷ luật trong quân đội tư sản được xây dựng trên cơ sở pháp luật tư sản với một hệ thống thiết chế nhằm giữ vững sự thống trị của giai cấp tư sản, do giai cấp tư sản và vì giai cấp tư sản.
Bản chất kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam được biểu hiện:
Kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam là kỷ luật tự giác, bắt nguồn từ sự giác ngộ sâu sắc của mọi quân nhân về nhiệm vụ của cách mạng, quân đội và đơn vị, về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội; thể hiện ở nhận thức đúng, quyết tâm hành động đúng của quân nhân trong chấp hành kỷ luật ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi nhiệm vụ, hoàn cảnh. Khi mỗi quân nhân ý thức được việc chấp hành kỷ luật là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; có ý thức cao trong việc chấp hành kỷ luật, tự ghép mình vào khuôn khổ tổ chức, kỷ luật của đơn vị; trở thành nếp nghĩ, cách sống thường trực, thành thói quen, nhu cầu hàng ngày của mỗi quân nhân và toàn đơn vị; nhận thức sâu sắc ý nghĩa và giá trị của kỷ luật đối với việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội thì việc chấp hành kỷ luật trở thành tự giác.
Kỷ luật của quân đội ta là nghiêm minh, được hình thành và phát triển trên cơ sở mọi quân nhân có nhận thức, hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí, lòng tin tưởng tuyệt đối vào Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội và hành vi tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật; thể hiện ở sự đòi hỏi, bắt buộc đối với mọi quân nhân, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, giới tính, lứa tuổi... đều phải chấp hành vô điều kiện pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội; ở việc xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật và cưỡng bức, bắt buộc đối với các quân nhân không tự giác chấp hành.
Tính tự giác và nghiêm minh của kỷ luật quân đội ta là thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có tự giác mới giữ nghiêm kỷ luật; nếu chỉ nhấn mạnh đến tính tự giác mà không thấy tính chặt chẽ, nghiêm minh của kỷ luật thì sẽ dẫn đến tự do, tùy tiện; nếu coi nhẹ tính tự giác, chỉ thấy nghiêm minh thì sự nghiêm minh ấy rất có thể biến thành hình thức, quan liêu, quân phiệt. Tính tự giác và nghiêm minh là biểu hiện cao nhất của tính kỷ luật của quân đội Quân đội nhân dân Việt Nam, được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta qua các thời kỳ. Đó là một phẩm chất cao đẹp trong phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” - phẩm chất đặc trưng của người quân nhân cách mạng; là thước đo trình độ giác ngộ chính trị, chuẩn mực về nhân cách, đạo đức, mục tiêu rèn luyện để trở thành người quân nhân cách mạng.





[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, H. 2002, tr. 553.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét