“Sửa đổi
lối làm việc” là một trong những tác phẩm chuyên khảo về xây dựng Đảng, được
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tháng 10 năm 1947. Nội dung của tác phẩm rất phong
phú, đề cập tới nhiều vấn đề có giá trị chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và việc
rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó Người đã chỉ ra những căn
bệnh mà cán bộ, đảng viên thường hay mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền,
đó là những căn bệnh sau:
Một là,
bệnh cá nhân hay còn gọi là chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích những
tác hại khôn lường của bệnh cá nhân chủ nghĩa. Theo Người, đây là một thứ vi
trùng rất độc, do nó mà sinh ra nhiều thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Do bệnh cá
nhân mà sa vào tham ô, hủ hoá, sống lãng phí, xa hoa, xa dân. Tự cao tự đại,
coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, ngại khó, ngại khổ, cái gì cũng nghĩ
đến mình trước, không lấy “mình vì mọi người” mà lại chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Bệnh cá
nhân rất khó chống, vì nó ẩn nấp ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên, nó có thể
xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả khi khó khăn, cũng như lúc thuận lợi. Vì vậy,
để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tất yếu phải ngăn
chặn, đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Hai là, bệnh tham lam. Hồ Chí Minh chỉ
rõ, những người mắc bệnh tham lam thì “đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích
của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư.
Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa
hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của
đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng,
không sợ mất danh giá của mình”[1].
Căn bệnh tham lam mà Hồ Chí Minh đề cập về thực chất là
“con đẻ” của chủ nghĩa cá nhân. Hiện nay, cán bộ, đảng viên, nhất là những
người có chức, có quyền rất dễ mắc phải căn bệnh trầm kha này. Tình trạng tham
nhũng tồn tại giai giẳng trong Đảng, bộ máy nhà nước chậm được khắc phục, gây
nhức nhối trong xã hội hiện nay, chính là biểu hiện của căn bệnh tham lam mà Hồ
Chí Minh đã chỉ ra.
Ba là, những căn bệnh thường phạm phải trong công tác tổ
chức, cán bộ của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới một loạt căn bệnh mà
cán bộ, đảng viên thường hay mắc phải khi tiến hành công tác cán bộ, đó là;
“1. Tự cao tự đại, 2. Ưa người ta nịnh mình,3. Do lòng
yêu, ghét của mình mà đối với người, 4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật
hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”[2].
“Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh
sau đây:
1.Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn cho họ
là chắc chắn hơn người ngoài.
2.Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét
những người chính trực.
3.Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính
tình không hợp với mình”[3].
Đây là những căn bệnh mà cán bộ lãnh đạo, quản lý của một
đảng cầm quyền rất dễ mắc phải. Thực tiễn trong Đảng ta đã chỉ ra, nhiều vụ
việc mất đoàn kết, tiêu cực ở một số ngành, một số cấp, thường bắt nguồn từ
những sai phạm trong việc đánh giá, sử dụng cán bộ.
Bốn là, bệnh chủ quan. Theo Hồ Chí Minh,
đây là một trong những chứng bệnh cũng rất nguy hiểm. “Nếu không chữa ngay, để
nó lây ra, thì có hại vô cùng”. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là xuất phát từ
“kém lý luận hoặc khinh lý luận hoặc lý luận suông”. Để chữa căn bệnh này,
Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học lý luận, phải đem lý luận
áp dụng vào thực tế và “phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”.
Ngoài những căn bệnh cơ bản nêu trên, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm
việc”, Hồ Chí Minh còn chỉ ra một số căn bệnh cụ thể khác như: bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo,
bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ. Khi
nêu các loại bệnh đó, Người đều chỉ ra những biểu hiện và tác hại của chúng để
tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phòng tránh, khắc phục kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét