Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

NHẬN DIỆN TỰ DIỄN BIẾN CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

       
Theo Từ điển Tiếng Việt, tự có hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất: Tự là "Từ dùng để chỉ bản thân chủ thể nhằm biểu thị việc nói đến là do chính chủ thể làm hoặc gây ra, chỉ bằng sức lực, khả năng của riêng mình", hoặc theo nghĩa thứ hai: Tự là "Từ dùng để chỉ bản thân chủ thể nhằm biểu thị chủ thể đồng thời cũng chính là khách thể chịu sự chi phối của hành động, hoạt động do mình làm hoặc gây ra".
        Tự diễn biến là tự bản thân chủ thể (tổ chức, cá nhân) có hành vi hoặc việc làm, hoặc tự gây ra, chỉ bằng sức lực, khả năng của riêng tổ chức, cá nhân hoặc chịu sự chi phối của hành động, hoạt động do mình làm hoặc gây ra dẫn đến sự tự biến đổi từ lượng đến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, diễn biến tâm lý hoặc về ý thức, trách nhiệm của mình.

          Như vậy, tự diễn biến của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước hoặc đảng viên là tự chính bản thân cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cá nhân cán bộ, đảng viên có hành vi, việc làm hoặc tự gây ra, chỉ bằng sức lực, khả năng của chính cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, dẫn đến sự tự biến đổi từ lượng đến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống hoặc về ý thức, trách nhiệm trong từng thời điểm, thời kỳ nhất định.

         Tự diễn biến của tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội được thể hiện qua các biểu hiện sau đây: Không chấp hành, chấp hành không đúng, đầy đủ, nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền cấp trên gây thiệt hại cho tập thể, cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cho lợi ích chung của công đồng. Không chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thể hiện rõ nét nhất là không chấp hành đầy đủ, đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong vấn đề thảo luận, biểu quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của tập thể, sinh hoạt không đều, không thường xuyên, nội dung sinh hoạt không bảo đảm bảo. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội khi có quyết định chia tách, giải thể, sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động nhưng tập thể vẫn "cố tình", "tranh thủ" ra nghị quyết, quyết định không đúng thẩm quyền, trách nhiệm để vụ lợi (ban hành chủ trương quy hoạch, đầu tư các dự án; cấp đất, cấp nhà, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ) hoặc với động cơ không trong sáng (quyết định kết luận vụ việc kiểm tra, giám sát không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục hoặc quyết định kỷ luật cán bộ mang tính trù dập). Có cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức chính trị xã hội khóa mới biết cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ khoá trước ban hành nghị quyết, chủ trương, quyết định chưa phù hợp, thậm chí sai nhưng không nêu cao trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định điều chỉnh hoặc khắc phục kịp thời (kể cả trong quyết định chủ trương thực hiện các quy hoạch, dự án đầu tư, cả trong công tác cán bộ, thi hành kỷ luật đảng). Ngược lại, có cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước cấp trên thấy cấp dưới ban hành chủ trương, nghị quyết, quyết định không phù hợp, chính xác hoặc sai nhưng ngại va chạm, sợ liên luỵ đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân mình nên đã làm ngơ, hoặc báo che cho cấp dưới, dẫn đến khuyết điểm, vi phạm kéo dài, có khi qua nhiều nhiệm kỳ, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không, chậm được giải quyết, gây khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong xã hội, dẫn đến tình trạng "tư duy nhiệm kỳ" và "lợi ích nhóm". Không nghiêm túc tự giác tự kiểm điểm phê bình trong sinh hoạt của tập thể cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng, chi uỷ, chi bộ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Khi thấy cá nhân trong tập thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị có hành vi, việc làm không đúng nhưng do nể nang, ngại va chạm nên tập thể, trước hết là người đứng đầu làm ngơ, bỏ qua hoặc sợ trách nhiệm, hoặc sợ mất thành tích, mất cán bộ nên đã xuê xoa, bao che cho vi phạm của thành viên trong tổ chức mình. Thấy tổ chức, cơ quan, đơn vị mình có thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, nhưng sơ trách nhiệm, sợ mất uy tín đã không báo cáo, báo cáo không đầy đủ, kịp thời, trung thực thậm chí báo cáo sai sự thật với cấp trên. Tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước vì lợi ích cục bộ mà đã ban hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quyết định cho tập thể, cho cơ quan, đơn vị mình trái với chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của cấp trên theo phương châm "trên có chính sách, dưới có đối sách". Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị thế của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương để làm trái hoặc tự đặt ra các chủ trương, thủ tục hành chính, giấy tờ không đúng quy định, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân, cho doanh nghiệp... nhằm trục lợi cho tập thể. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét