Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

NHẬN DẠNG CĂN NGUYÊN MẤT ĐOÀN KẾT NỘI BỘ HIỆN NAY

               
Đoàn kết là vấn đề sống còn của cách mạng, là cơ sở để củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”1.
            Thời gian qua cho thấy các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ, lấy nhiệm vụ chính trị là mục tiêu quy tụ đoàn kết, tren cơ sở các nguyên tắc, quy định…
           Tuy nhiên, một số nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, không thể xem thường; bên cạnh đó không ít tổ chức đảng có biểu hiện đoàn kết xuôi chiều
           Việc nhận dạng căn nguyên tiềm ẩn gây mất đoàn kết nội bộ có ý nghĩa thực tiễn cấp bách để có biện pháp phòng ngừa hiện nay.
        Mất đoàn kết nội bộ do một vài nguyên nhân chủ yếu sau:

           Thứ nhất, do mâu thuẫn về lợi ích nhóm, cục bộ
           Có thể nói đây là căn nguyên sâu xa dễ gây mất đoàn kết trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Xét tới cùng hoạt động của con người là nhằm theo đuổi những lợi ích nhất định. Nhưng lợi ích chính đáng chỉ được khuyến khích bảo vệ khi lợi ích đó không mâu thuẫn với lợi ích của Đảng, không làm tổn hại lợi ích tập thể, lợi ích các thành viên trong tổ chức. Thực tiễn cho thấy ở đâu mà cán bộ, đảng viên có hành vi vun vén cá nhân, thậm chí tham nhũng, không quan tâm đến lợi ích chung thì sớm muộn cũng biểu hiện mất đoàn kết.
         Thứ hai, lề lối, phong cách làm việc thiếu nền nếp, khoa học.
         Khi các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, quy chế của cơ quan, đơn vị không được giữ vững, thì số ít cán bộ, đảng viên dễ nảy sinh sự tùy tiện trong điều hành công việc, tác phong công tác, kém ý thức tổ chức kỷ luật, dẫn tới làm sai các nguyên tắc, chế độ.
          Thứ ba, do thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, chế độ, chính sách, công tác cán bộ...
           Khi hệ giá trị này không được thực hiện thì khó có thể quy tụ sức mạnh tập thể, năng lực sáng tạo của cán bộ, đảng viên . Đây là môi trường nảy sinh căn bệnh quan liêu, gia trưởng, độc đoán. Và đó cũng là lô gíc tất yếu dễ tạo ra sự đố kỵ, thiếu sự hợp tác trong số ít cán bộ chủ chốt, giữa cấp trên với cấp dưới và nhân viên dưới quyền.
           Thứ tư, bố trí, sử dụng cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn cũng dễ gây mất đoàn kết nội bộ.
           Nếu người đứng đầu tổ chức mà phẩm chất, năng lực yếu hơn người dưới quyền, lại mang nặng chủ nghĩa cá nhân, xa rời chuẩn mực đạo đức cách mạng thì ở những tổ chức đó biểu hiện cán bộ, đảng viên không phục nhau, thiếu nhất trí cả về nhận thức và hành động, thậm chí mất đoàn kết nghiêm trọng là khó tránh. Nếu trong công tác cán bộ có hiện tượng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “thân quen, dòng họ” thì vô hình trung sẽ dung dưỡng cán bộ thiếu đức, thiếu tài, vô cảm trước nguyện vọng, đời sống các mặt của nhân dân. 
           Hậu quả của căn bệnh mất đoàn kết hết sức nguy hiểm, không chỉ làm suy yếu tổ chức đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do đó, cần coi trọng một số biện pháp chủ yếu sau:
         Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, tính đảng cho các tổ chức đảng. Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình gắn với phát huy dân chủ. Tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát. 
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.11, tr.154.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét