Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

YÊU CẦU VÀ XỬ LÝ "ĐIỂM NÓNG" TRONG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, AN NINH CHÍNH TRỊ

YÊU CẦU VÀ XỬ LÝ "ĐIỂM NÓNG" TRONG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI Ở ĐỊA PHƯƠNG, CƠ SỞ CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ

 1. Yêu cầu trong xử lý các "điểm nóng" của dân quân tự vệ
- Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn của cơ quan chính trị cấp trên, tính quyết đoán của người chỉ huy quân sự trong các "điểm nóng".
- Tăng cường công tác giáo dục, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ có ý chí quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, vận dụng linh hoạt mọi biện pháp để xử lý đúng, kịp thời và có hiệu quả các "điểm nóng".

- Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi chiến sĩ dân quân tự vệ, chấp hành nghiêm kỷ luật, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu và xử lý các "điểm nóng".
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong thế trận phòng thủ của địa phương tham gia xử lý các "điểm nóng" của dân quân tự vệ
- Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm điển hình, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, ổn định đời sống hậu phương, gia đình của dân quân tự vệ trong quá trình xử lý các "điểm nóng".
2. Xử lý "điểm nóng" trong bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ là: phối hợp với công an, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, bộ đội thường trực trên địa bàn giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ các công trình quốc phòng, các kho vũ khí trang bị kỹ thuật; tính mạng tài sản của nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ trên, dân quân tự vệ phải tiến hành các hoạt động: tuần tra, canh gác, bảo vệ các khu vực, mục tiêu được phân công; phát hiện, ngăn chặn, tham gia bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể, tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, lực lượng dân quân tự vệ có thể gặp và phải xử lý một số tình huống đối với các vụ việc dân sự (tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xâm canh, xâm cư, xâm phạm tài nguyên, tài sản của nhân dân...), trộm, cướp tài sản, phương tiện, hoạt động gián điệp, thám báo, biệt kích của địch... Khi xử lý các "điểm nóng" trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của dân quân tự vệ, công tác đảng, công tác chính trị cần tập trung vào những nội dung, biện pháp sau:
2.1. Đối với các vụ trộm cắp tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
Khi lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác phát hiện hành động trộm cắp của kẻ gian hoặc hiện tượng nghi vấn, đội trưởng tuần tra, canh gác cần nhanh chóng nhận định tình hình, kịp thời hạ quyết tâm xử trí tình huống. Trên cơ sở nắm chắc nhiệm vụ, địa hình, đường sá, phạm vi khu vực tuần tra, mục tiêu được phân công bảo vệ, tình hình của đội, tình hình hoạt động của kẻ gian và tình hình an ninh chính trị có liên quan, đội trưởng đội tuần tra, canh gác nhanh chóng nhận định ý đồ, dự kiến chiều hướng hoạt động phá hoại của kẻ gian (số lượng, đường đi, mục tiêu đột nhập phá hoại...) khẩn trương xác định phương án bắt giữ kẻ gian (mục tiêu cần tiếp tục bảo vệ, lực lượng tấn công, lực lượng hỗ trợ, lực lượng đón lõng, cách bắt giữ, phương pháp phối hợp hiệp đồng...) đồng thời báo cáo xin chỉ thị cấp trên. Bằng mọi biện pháp nhanh chóng giao nhiệm vụ cho toàn đội, động viên mọi người không mắc mưu kẻ gian, giữ nghiêm kỷ luật, dũng cảm bắt giữ kẻ gian và người có hành động khả nghi đưa về cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thường xuyên nắm chắc diễn biến của tình hình, kịp thời động viên khích lệ, phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của các đội viên. Đôn đốc các vọng gác nêu cao cảnh giác làm tròn nhiệm vụ, kịp thời có biện pháp chi viện cho các vọng gác và mục tiêu bị uy hiếp hoặc đang gặp khó khăn. Nếu kẻ gian chống cự hoặc lẩn trốn, phải tổ chức, phối hợp lực lượng của dân quân với nhân dân địa phương để bao vây, truy tìm và bắt giữ. Không đánh đập, nhục mạ người phạm lỗi.
Sau khi xử trí tình huống, nắm chắc tình hình kẻ gian, tình hình đội tuần tra, canh gác, có kế hoạch biện pháp giải quyết hậu quả và báo cáo xin chỉ thị cấp trên. Động viên các thành viên trong đội giải quyết khắc phục nhanh hậu quả theo đúng yêu cầu quy định, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ tiếp theo, giữ vững trật tự an ninh và kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đội.
2.2. Đối với các vụ việc dân sự
- Trường hợp xảy ra tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương cần nắm vững tình hình địa bàn, xác định rõ: phạm vi, tính chất mức độ, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và chủ trương, biện pháp giải quyết. Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở cần phối hợp và phát huy vai trò của những cán bộ cách mạng lão thành, những người có uy tín trong bản làng, tộc họ để tuyên truyền giải thích làm cho nhân dân thấy rõ đúng, sai và trách nhiệm của mình trong việc củng cố đoàn kết nội bộ, giữ gìn sự ổn định chính trị ở địa phương, không hành động quá khích; đồng thời cử cán bộ có thẩm quyền trực tiếp bàn bạc với dân để giải quyết vụ việc một cách hợp lý, hợp tình.
Phổ biến tình hình, nhiệm vụ, động viên lực lượng dân quân tự vệ  nêu cao cảnh giác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Duy trì nghiêm các chế độ: trực chỉ huy, trực chiến, tuần tra, canh gác và tăng cường trinh sát nắm vững địa bàn. Giáo dục dân quân tự vệ gương mẫu và động viên gia đình chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Giữ gìn đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, không tham gia, không có hành động quá khích gây mất ổn định về chính trị an ninh ở cơ sở.
Khi mâu thuẫn nội bộ nhân dân bị các phần tử xấu, bọn lưu manh, côn đồ lợi dụng, kích động thành các vụ gây rối, phương châm giải quyết là: đối với nhân dân phải kiên quyết thuyết phục để giải tán; đối với các phần tử xấu, bọn lưu manh côn đồ phải sử dụng lực lượng công an phối hợp với dân quân tự vệ kiên quyết bắt giữ và xử lý theo đúng pháp luật, không gây nên những hậu quả phức tạp.
Lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương nếu được lệnh sử dụng phải tiến hành giáo dục, giao nhiệm vụ chu đáo và chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ trong việc tuyên truyền vận động nhân dân và làm hậu thuẫn hoặc hỗ trợ cho công an và các cơ quan chấp pháp thi hành công vụ. Không để xảy ra các hành động vô kỷ luật, tự tiện bắt người, phong toả tài sản của dân và làm những việc không thuộc chức năng của dân quân tự vệ .
- Trường hợp xảy ra xâm canh, xâm cư, xâm phạm tài nguyên quốc gia, tài sản của nhân dân.
Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng dân quân tự vệ  nhận rõ chính sách đối ngoại của Đảng ta; các nội dung có liên quan trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta, các công ước quốc tế về biên giới lãnh thổ, để tỉnh táo, thận trọng khi xử lý các vụ việc xảy ra.
Hướng dẫn, động viên cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ  làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục và có biện pháp ngăn chặn không để nhân dân ta xâm canh, xâm cư,  xâm phạm tài nguyên, trên các vùng thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước lân cận. Khi xảy ra các hiện tượng xâm canh, xâm cư, xâm phạm tài nguyên phải kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quân sự cấp trên chỉ đạo, giải quyết. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, công an, Bộ đội Biên phòng tại địa phương có biện pháp ngăn chặn. Riêng đối với bọn buôn lậu qua biên giới, buôn lậu bằng tàu thuyền trên biển phải phối hợp với công an, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển kiên quyết ngăn chặn, bắt giữ và xử lý theo đúng pháp luật.
Đối với các toán buôn lậu dùng vũ khí chống lại các cơ quan thi hành công vụ trên lãnh thổ nước ta, lực lượng dân quân tự vệ  được giao nhiệm vụ phải kiên quyết chiến đấu, bắt bọn tội phạm giao cho các cơ quan công an, biên phòng, hải quan, thuế vụ... xử lý, nhưng không làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân hai bên biên giới.
3- Đối với hoạt động gián điệp, thám báo, biệt kích của địch.
Quán triệt cho lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân địa phương nhận rõ tính chất nguy hại của các thủ đoạn gián điệp, thám báo, biệt kích của địch và trách nhiệm của mỗi người trong bảo vệ an toàn địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng các phương án phòng, chống của dân quân tự vệ và phát động toàn dân hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Phát huy vai trò lực lượng trinh sát và quân báo nhân dân, thường xuyên phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng và cơ quan cấp trên để nắm chắc địch; tuyên truyền giáo dục cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ và nhân dân địa phương chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, luôn luôn cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đập tan mọi hoạt động gián điệp, thám báo, biệt kích của địch.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng trinh sát, thông tin, trực chiến..., động viên nhắc nhở các bộ phận thực hiện tốt chế độ, quản lý nắm địa bàn để kịp thời phát hiện bọn xâm nhập, móc nối xây dựng cơ sở phản động. Chủ động phối hợp chặt chẽ với công an, Bộ đội Biên phòng, bằng các biện pháp nghiệp vụ khôn khéo, bí mật, phục kích, đón lõng, vây bắt hoặc tiêu diệt gọn bọn gián điệp, biệt kích, thám báo. Chủ động đánh trả khi địch tập kích, không để bị bất ngờ. Động viên các bộ phận thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và chấp hành nghiêm kỷ luật hiệp đồng với lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng.

Bảo đảm chế độ, chính sách, khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên làm nhiệm vụ vây bắt, tiêu diệt bọn gián điệp, thám báo, biệt kích của địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét