Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

HIỂU BIẾT CHUNG VỀ DIỄN BIẾN HÒA BÌNH VÀ BẠO LOẠN LẬT ĐỔ CỦA ĐỊCH


"Diễn biến hòa bình" là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, đứng đầu là Mỹ, nhằm lật đổ chế độ chính trị, xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự"1.
"Diễn biến hòa bình" là một nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, "Có những thế lực vẫn mưu toan thực hiện diễn biến hòa bình, thường xuyên dùng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng can thiệp vào nội bộ ta".

Mục tiêu của chiến lược  "diễn biến hòa bình" của địch đối với cách mạng nước ta là xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước mắt tập trung vào thúc đẩy tự do hóa chính trị, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, dân chủ không giới hạn; thúc đẩy tư nhân hoá nền kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa và "phi chính trị hoá" lực lượng vũ trang.
Tư tưởng chỉ đạo của địch là: chủ động, tiếp cận, chọn lọc và hành động. Hiện nay có sự phát triển mới là: đánh mềm, đánh ngầm, đánh sâu, đánh hiểm, đánh có trọng điểm.
Thủ đoạn và biện pháp chống phá của chúng là: phá hoại toàn diện, nhưng mũi nhọn then chốt là chính trị, tư tưởng; trọng tâm là kinh tế và khoa học kỹ thuật. Hiện nay chúng đang tiến hành một chiến lược phức hợp bao gồm: kết hợp "diễn biến hòa bình" với bạo loạn lật đổ; kết hợp "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ với răn đe quân sự; khi có thời cơ sẽ tiến hành chiến tranh xâm lược với nhiều quy mô và cường độ khác nhau. Biện pháp chiến lược chúng đã và đang dùng là: chi phối đầu tư kinh tế, tìm cách tạo ra mâu thuẫn nội bộ và ngoại giao thân thiện. Lợi dụng những hiện tượng tiêu cực để vu khống, bôi nhọ Đảng ta, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng. Tuyên truyền, lôi kéo, mua chuộc làm tha hoá cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ nước ta…
Bạo loạn lật đổ là "hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức của lực lượng phản động, gây rối loạn trật tự an ninh xã hội, nhằm lật đổ chính quyền tiến bộ (cách mạng), thiết lập chính quyền phản động ở địa phương hoặc Trung ương"1.
Mục tiêu trực tiếp của bạo loạn lật đổ là lật đổ chính quyền cách mạng, lập nên chính quyền phản cách mạng.
Hình thức bạo loạn thường có ba loại: bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang và bạo loạn kết hợp chính trị với vũ trang.
Phương thức và lực lượng tiến hành: kẻ địch thường dùng phương thức kích động, mua chuộc, lôi kéo quần chúng và sử dụng lực lượng quần chúng do bọn phản động tổ chức và điều hành. Khi có điều kiện và thời cơ, chúng sẽ dùng lực lượng phản ứng nhanh trực tiếp can thiệp để hỗ trợ cho các lực lượng trong nước tiến hành gây bạo loạn.
Địa bàn có thể xảy ra bạo loạn thường là nơi an ninh chính trị không ổn định, nơi địch chống phá mạnh mà ta ngăn ngừa không tốt, các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội hoặc các địa bàn (xã, thị trấn, huyện, tỉnh) vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa; nơi địch có thể lợi dụng để tạo dựng ngọn cờ phản cách mạng. Thời điểm xảy ra bạo loạn có thể là trong thời bình, thời kỳ đầu chiến tranh hoặc trong chiến tranh.
"Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ có quan hệ chặt chẽ với nhau, tuy khác nhau về phương thức tiến hành và thủ đoạn cụ thể nhưng giống nhau về mục tiêu và mục đích. "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ có thể là cơ sở, điều kiện thúc đẩy bạo loạn xảy ra nhanh hơn. Nếu bạo loạn xảy ra thì lại là điều kiện thúc đẩy "diễn biến hòa bình" diễn ra thuận lợi và mau đạt kết quả hơn.
Ở cấp xã, phường, thị trấn, địch thường lợi dụng những nơi nhân dân ở phân tán, trình độ văn hoá thấp, những nơi có nhiều tôn giáo khác nhau hoặc tập tục còn lạc hậu để thực hiện những âm mưu, thủ đoạn lập đạo, truyền đạo trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoan và các thủ đoạn lừa bịp khác để lôi kéo nhân dân xa rời sự lãnh đạo của Đảng, chống Đảng, chống chế độ. ở những nơi có hiện tượng tiêu cực xảy ra hoặc có mâu thuẫn trong nội bộ địa phương thì địch thường lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách của Đảng, bôi nhọ cán bộ, đảng viên, tìm cách chia rẽ nội bộ ta, kích động những hành động quá khích gây rối trật tự trị an. ở những nơi ta khó quản lý hoặc có sơ hở, địch thường lợi dụng để móc nối, cài cắm, tạo dựng và phát triển lực lượng phản động… nhằm thực hiện "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ.
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải luôn nêu cao cảnh giác cách mạng không bị kẻ địch lợi dụng, lôi kéo vào âm mưu của chúng.





1. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1996, tr. 229.
1. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1996, tr. 33.

1 nhận xét: