Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

SỰ PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH” CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH



          “Diễn biến hoà bình” lúc đầu chỉ là một biện pháp, thủ đoạn để ngăn chặn sự phát triển của CNXH, theo thời gian nó trở thành một bộ phận chủ yếu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, qua các thời kỳ phát triển nó thành một chiến lược nhằm xoá bỏ CNXH với tư tưởng “chiến thắng không cần chiến tranh”.
          Chiến lược “Ngăn chặn” của Tổng thống Truman (Harry S. Truman) công bố năm 1947, là chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Mỹ. Sau Đại chiến thế giới lần thứ II, cục diện thế giới 2 cực được hình thành. Liên Xô và Mỹ trở thành 2 cường quốc mạnh nhất thế giới, đấu tranh quyết liệt với nhau.

          Dựa vào sức mạnh của mình (Mỹ chiếm 62% tổng sản lượng công nghiệp, 1/3 khối lượng thương mại, 2/3 vàng dự trữ của thế giới), tháng 3-1947, Tổng thống  Mỹ, Truman đã công bố chiến lược “ngăn chặn” nhằm kiềm chế Liên Xô và các nước XHCN. Sau 40 năm, người Mỹ đã nhận ra rằng không thể ngăn chặn được Liên Xô bằng chính sách pháo hạm và không thể tiêu diệt được Liên Xô bằng chiến tranh. Trục phát xít (Đức, ý, Nhật) và các nước đế quốc già bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh, Mỹ đã nhảy lên làm bá chủ thế giới và là cường quốc số 1 về quân sự.
Một loạt các nước XHCN ra đời và trở thành hệ thống trên thế giới (chiếm 35% dân số thế giới) đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Hệ thống XHCN đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh vì hoà bình độc lập dân tộc của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Mặc dù Liên Xô và Mỹ là đồng minh chống phát xít, nhưng do 2 nước có lợi ích đối lập nhau, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh lạnh chống lại Liên Xô và các nước XHCN.
Chính quyền Mỹ đã sử dụng các biện pháp chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao... để hỗ trợ cho hoạt động pháp quân sự trong chống phá các nước XHCN. Năm 1948, nhà ngoại giao Mỹ là Akisơn đã đề xuất với Tổng thống Mỹ Truman dùng các biện pháp “phi quân sự” để xâm nhập vào các lĩnh vực nhằm chống các nước XHCN. Từ đó, “DBHB” được hình thành và trở thành biện pháp để chống lại CNXH. Trong thời gian này, các thế lực phản động quốc tế thực hiện chiến lược toàn cầu “ngăn chặn” CNXH là chính, còn “DBHB” được xem như một biện pháp hỗ trợ cho tiến công quân sự.
Để thực hiện chiến lược “ngăn chặn”, Mỹ thành lập các khối quân sự; các căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới và tiến hành can thiệp vũ trang.
Tháng 5-1949, thành lập Khối Quân sự Bắc Đại tây dương (NATO) gồm: 14 nước, trong đó có 10 nước châu Âu và Mỹ, Canađa, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp. Mục tiêu của Tổ chức này là “ngăn chặn” Liên Xô và cộng sản châu Âu. Tháng 9-1954, thành lập Khối SEATO gồm 8 nước: Anh, Pháp, Mỹ, úc, Thái, Tân Tây Lan, Philíppin, Pakistan. Tháng 2-1955, thành lập Khối SENTO gồm: Irắc, Thổ, Iran, Pakistan do Mỹ và Anh bảo trợ. Tháng 6-1951, thành lập Khối ANZUYT gồm: Mỹ, úc, Tân Tây Lan nhằm tăng cường vai trò của Mỹ ở Đông Nam á - Thái Bình Dương, chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam á.
          Thời kỳ 1989-1993, hệ thống các nước XHCN xuất hiện những rạn nứt, suy yếu và sụp đổ, chiến lược “vượt trên ngăn chặn” đã ra đời. Đây là một chiến lược tiến công, đối tượng chủ yếu là nhằm vào Liên Xô và các nước XHCN. Dựa trên cơ sở duy trì sức mạnh quân sự răn đe, tiến hành tổng hợp các thủ đoạn, biện pháp về chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hoá - xã hội khiến cho các nước này tự diễn biến và tan rã từ bên trong. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nội bộ Liên Xô phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Mỹ và các nước phương Tây đã nhận biết được và không bỏ lỡ cơ hội đó, triệt để lợi dụng chống phá.
          Năm 1988, Tổng thống Mỹ Rigân công bố Chiến lược “vượt trên ngăn chặn”. Biện pháp chủ yếu của chiến lược này là thực hiện “diễn biến hoà bình” kết hợp với răn đe quân sự đối với Liên Xô và các nước XHCN. Chiến lược này đã thúc đẩy các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ.
          Từ năm 1994 đến nay, Mỹ thực hiện chiến lược “dính líu và khuyếch trương”. Đây là bước phát triển của chiến lược “diễn biến hoà bình” ở thời kỳ sau khi  Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhằm xoá bỏ các nước XHCN còn lại hình thành trật tự thế giới mới do Mỹ cầm đầu. Chiến lược “dính líu và khuyếch trương” còn gọi là chiến dịch “can dự  và mở rộng” (công bố vào 7-1994).
          Với tư tưởng là: “Để làm suy yếu một nước cần phải đi chính từ bản thân nó, phải dính líu từ bên trong”. Muốn khuyếch trương sức mạnh của mình thì Mỹ phải dính líu với các nước. Mỹ tăng cường vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế và can thiệp sâu vào các công việc nội bộ các nước XHCN, chống lại phong trào độc lập dân tộc, kiềm chế các nước có khả năng thách thức vị trí của Mỹ và tiêu diệt các nước chống lại Mỹ. Ưu tiên hàng đầu là xoá bỏ các nước XHCN”. Chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chuyển hoá chế độ, kích động hoạt động chống đối từ bên trong để lật đổ chế độ, đồng thời duy trì sức ép quân sự, sẵn sàng can thiệp vũ trang.
          Chiến lược “can dự và mở rộng” tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: Lợi dụng các nước XHCN cải cách, mở cửa, đổi mới để tiếp cận can dự vào công việc nội bộ, để chuyển hoá chế độ. Thủ đoạn hàng đầu là dùng đầu tư làm thay đổi cơ cấu kinh tế, làm cho kinh tế tư nhân dần dần chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân. Thực hiện can dự để kích động các hoạt động chống đối, bạo loạn làm suy yếu các nước tiến tới lật đổ chế độ. Những năm sau đó, Tổng thống Bin Clintơn có 4 lần điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia: 1996; 1997; 1998; 2000. Nhưng cơ bản vẫn dựa trên nền tảng chiến lược “can dự và mở rộng”.
          Hiện nay và những năm tiếp theo, “diễn biến hoà bình” vẫn là chiến lược chủ yếu mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động sử dụng để chống phá các nước tiến bộ, trước hết là các nước XHCN còn lại. Chúng coi Việt Nam là một trọng điểm chống phá. Vì vậy, chúng ta phải đề cao cảnh giác, phát huy sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét